Quan điểm của đồng chí Lê Duẩn về xây dựng gia đình và ý nghĩa của việc xây dựng gia đình trong giai đoạn hiện nay

Thứ năm - 25/05/2017 09:58
G.V: Nguyễn Hải Lý
Khoa LLMLN, TTHCM
Trong cuộc đời hoạt động cách mạng của mình, Tổng Bí thư Lê Duẩn người học trò lổi lạc của Chủ tịch Hồ Chí Minh tuy bận trăm công nghìn việc nhưng ông luôn giành thời gian quan tâm đến yếu tố gia đình và xây dựng cuộc sống hạnh phúc. Bởi vì theo quan điểm của ông để có một chế độ xã hội mới thì phải bắt đầu từ những yếu tố cấu thành nên xã hội đó chính là gia đình. Những giá trị về gia đình không những là cơ sở, quan điểm để xây dựng gia đình Việt Nam no ấm, hạnh phúc, đặc biệt trong xu thế toàn cầu hóa hiện nay khi mà những giá trị truyền thống về gia đình Việt Nam đang bị mai một bởi những giá trị văn hóa ngoại lai. Do đó, việc xây dựng gia đình trong thời kỳ hội nhập trên cơ sở quan điểm của đồng chí Lê Duẩn có ý nghĩa rất to lớn.
Tổng Bí thư Lê Duẩn khẳng định vai trò quan trọng của gia đình trong việc tái sản xuất và giáo dục nhân cách con người: “Gia đình là tế bào tự nhiên của xã hội, là một hình thức tồn tại của đời sống con người. Không có gia đình để tái sản xuất ra bản thân con người thì xã hội không thể tồn tại và phát triển được”(1). Con người mới được xây dựng từ trong gia đình, từ những dòng sữa tươi mát đầu tiên, từ những cử chỉ âu yếm, những lời khuyên bảo, dỗ dành của mẹ cha, nghĩa là từ sự chăm sóc đầu tiên của gia đình. Gia đình còn là môi trường đầu tiên, trực tiếp giáo dục nếp sống, hình thành nhân cách con người, xây dựng đời sống mới trong xã hội mới. Ông nói: "Lòng thương mến gia đình là cơ sở của lòng thương đồng bào, yêu đất nước; càng thương gia đình, thương đồng bào, yêu đất nước thì càng căm thù đế quốc, phong kiến, căm thù áp bức và bóc lột, càng hăng hái đấu tranh cách mạng... Không có tình thương cha, nhớ mẹ, tình thương yêu con cái thì không thể có lòng căm thù sục sôi đối với quân giặc”(2).
Quan điểm của đồng chí Lê Duẩn về gia đình ông luôn nhấn mạnh bản thân con người là sự kết hợp thống nhất các yếu tố: “Dân tộc, giai cấp, gia đình là nhất trí; yêu nước, yêu nhân dân, yêu gia đình là nhất trí; độc lập, dân chủ, tự do, chủ nghĩa xã hội là nhất trí; chủ nghĩa yêu nước chân chính, chủ nghĩa quốc tế vô sản là nhất trí; tất cả những cái đó không tách rời nhau mà kết hợp chặt chẽ với nhau”. Với tư cách là tế bào, gia đình có vai trò rất lớn trong việc hình thành và phát triển của xã hội. Xây dựng gia đình ấm no, hạnh phúc luôn là mối quan tâm của Tổng Bí thư,  một gia đình hạnh phúc trong xã hội chủ nghĩa là một gia đình không chỉ có đời sống vật chất đầy đủ, sung túc mà còn phải có tình yêu thương giữa các thành viên trong gia đình.
Trong nhiều buổi gặp gỡ, nói chuyện với bà con quê hương Quảng Trị, đồng chí Lê Duẩn ân cần chỉ bảo: Trong gia đình phải yêu thương nhau, phải sống nhẹ nhàng, êm ái với nhau. Gia đình thương yêu nhau, cả xã hội, cả làng, cả huyện đều thương yêu nhau. Nói đến gia đình, trước hết là quan hệ vợ chồng. Đồng chí đặc biệt chú ý đến mối quan hệ này. Trong gia đình hạnh phúc, vợ chồng phải đồng thuận, bình đẳng, cùng chia sẻ những khó khăn trong công việc, phải đề cao và tôn trọng người phụ nữ. Ông thẳng thắn phê phán sự bất bình đẳng giữa vợ và chồng trong xã hội cũ. Chế độ phong kiến “sỉ nhục người đàn bà, coi đàn bà là khó dạy”, “chồng bảo vợ phải theo”(3). Ông cho rằng: Văn hóa mới của chúng ta - văn hóa xã hội chủ nghĩa “nêu lên “thuận vợ thuận chồng, tát bể Đông cũng cạn” và đặt người mẹ vào một địa vị tôn quý “cha sinh không bằng mẹ dưỡng”; “dưỡng” ở đây vừa là nuôi, vừa là dạy”(4). Ông khẳng định: “Một gia đình như vậy mới thực sự hạnh phúc và tất cả các gia đình có hạnh phúc là cả xã hội có đầy đủ hạnh phúc”(5).
Trong gia đình, đồng chí Lê Duẩn đề cao vai trò người mẹ: “Tôi muốn đặc biệt nói đến ý nghĩa xã hội lớn lao của vai trò người mẹ trong gia đình. Người mẹ sinh con, nuôi con, dạy con, duy trì nòi giống, bảo đảm cho xã hội tồn tại và phát triển. Tất nhiên, không thể thiếu vai trò người cha. Song,“cha sinh không bằng mẹ dưỡng”. Đó là tục ngữ Việt Nam, là một nét đặc sắc của văn hóa Việt Nam…Văn hóa mới của chúng ta, văn hóa xã hội chủ nghĩa phải kế thừa và phát triển cao hơn  truyền thống nhân đạo cao cả đó của văn hóa dân tộc và nhân dân” (6). Nhắc đến mẹ mình, ông nói: "Tôi thương mẹ tôi, vì vậy bây giờ ở Hà Nội ngày nào tôi cũng ăn thêm vài củ khoai lang để nhớ mẹ tôi…”. Tục ngữ Việt Nam có câu: “Phúc đức tại mẫu”. Thật vậy, trong một gia đình, vai trò sinh thành của người cha là không thể thiếu, tuy nhiên, sự dưỡng dục của người mẹ mới là yếu tố quyết định việc hình thành và phát triển nhân cách con trẻ cũng như xây dựng bền vững hạnh phúc trong gia đình”. Ông viết: “Ngoài nghĩa cả đối với Tổ quốc, đối với cách mạng, có tình cảm nào thiêng liêng hơn tình mẹ con. Có sự hy sinh tận tuỵ nào bằng sự hy sinh tận tuỵ của người mẹ đối với con? “Dạy con từ thuở còn thơ”, đứa trẻ tiếp thu văn hoá loài người, đầu tiên chính là qua người mẹ. Từng giây từng phút, người mẹ truyền cho con những tình cảm, những ý nghĩ của mình, những điều mình từng trải trong cuộc sống. Mỗi lời nói, mỗi nụ cười, mỗi nét mặt buồn hay vui của người mẹ đều in sâu vào tâm hồn đứa trẻ những ấn tượng mà đứa trẻ giữ mãi trong suốt cuộc đời. Dạy con biết nói, biết cười, ru con bằng những điệu hát đầy ý nghĩa, khuyên bảo con những lẽ phải, điều hay, v.v., chính bằng cách đó, người mẹ đã góp phần gìn giữ và lưu truyền văn hoá dân tộc từ đời này sang đời khác”(7). Ngày nay, vai trò của người phụ nữ trong gia đình và xã hội ngày càng cao; phụ nữ vừa làm tốt vai trò của người mẹ, người vợ trong gia đình, vừa hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ xã hội. 
Ông còn nhắc nhở thanh niên phải ý thức về trách nhiệm của mình đối với gia đình: Thanh niên cũng phải dành thời giờ nhất định để giúp đỡ cha mẹ, săn sóc các em, chăm lo một phần công việc gia đình “Người thanh niên không biết tí gì đến việc nhà, không kính yêu cha mẹ, không thương mến người thân trong gia đình thì ra ngoài xã hội làm sao có lòng yêu mến nhân dân thực sự được. Thanh niên cần phải biết tổ chức tốt cuộc sống gia đình hợp với những tiêu chuẩn đạo đức mới nhằm tạo điều kiện cho mọi người trong gia đình làm tròn nghĩa vụ công dân, hoàn thành nhiệm vụ cách mạng”(8). Ông phê phán một số nhận thức đương thời: “Lâu nay một số đồng chí chúng ta chưa quan tâm nghiên cứu đầy đủ vấn đề gia đình…Có đồng chí tưởng rằng đã là người cách mạng thì không nên nói đến gia đình, vì nói đến gia đình tức là nói đến quyền lợi cá nhân, nói đến chuyện riêng tư, trái với đạo lý tập thể”(9). Ông cho rằng: Con người mới là con người biết xây dựng gia đình hạnh phúc trên cơ sở của một xã hội hạnh phúc, có trách nhiệm đầy đủ và tình yêu chân thật trong quan hệ vợ chồng, có trách nhiệm cao đối với việc xây dựng con cái thành những con người mới. Như vậy, người cách mạng không phải chỉ quan tâm đến công việc chung của đất nước, của tập thể mà còn phải có trách nhiệm thiết thực quan tâm  đến gia đình của mình, những người thân trong gia đình. Xã hội chỉ phát triển khi có những gia đình tốt, những công dân tốt. Xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ và hạnh phúc là góp phần vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc là trách nhiệm của toàn xã hội và mỗi công dân.” Phải đi sâu vào đời sống gia đình, xem họ ăn,ở thế nào; chúng ta mới thực sự trả lời được câu hỏi: Phải làm gì cho một gia đình? Phải làm thế nào để phục vụ nhân dân tốt hơn?”. Muốn có một xã hội phát triển lành mạnh thì trước hết từng “tế bào” phải phát triển bền vững. Tổng Bí thư nhấn mạnh: “Toàn xã hội chăm lo đến mỗi gia đình, xây dựng các gia đình ấm no, hạnh phúc chính là để mỗi gia đình có thể góp sức nhiều hơn xây dựng xã hội mới”(10).
Đứng trước yêu cầu của phát triển, đổi mới và hội nhập quốc tế đưa nước ta đến với những cơ hội đồng thời nó cũng chỉ ra cho chúng ta không ít thách thức, trong đó có thách thức về xây dựng gia đình Việt Nam, gìn giữ và phát huy những giá trị tốt đẹp của gia đình truyền thống, đáp ứng những đòi hỏi ngày càng cao của công cuộc đổi mới:
Thứ nhất, hội nhập kinh tế làm cho mức sống của con người được nâng cao từ đó cũng làm cho nhu cầu hưởng thụ của họ tăng lên và mang những nét cá nhân hơn. Mỗi một thành viên trong gia đình, chứ không chỉ riêng lớp trẻ, đều muốn được có khoảng không gian riêng, thoải mái để làm những gì mình thích. Như vậy, quan điểm của đồng chí Tổng Bí thư Lê Duẩn vẫn còn nguyên giá trị trong gia đoạn hiện nay một gia đình hạnh phúc trong xã hội chủ nghĩa là một gia đình không chỉ có đời sống vật chất đầy đủ, sung túc mà còn phải có tình yêu thương giữa các thành viên trong gia đình.  
Thứ hai, sự du nhập ồ ạt của các nền văn hóa phương Tây làm nảy sinh vấn đề là một vài tập tục, tập quán đã cũ, lỗi thời nếu vẫn được lưu giữ sẽ khiến cho gia đình Việt Nam không phù hợp với xu hướng phát triển chung của xã hội và trở nên lạc hậu, chậm thích ứng. Trong khi đó, thời đại mới lại mang đến nhiều giá trị tiến bộ cần tiếp nhận như sự bình đẳng nam nữ, bình đẳng trong nghĩa vụ trách nhiệm, dân chủ trong các mối quan hệ gia đình, tôn trọng tự do và lợi ích cá nhân.. Và lẽ tất nhiên là những cái mới không phải đều chứa đựng yếu tố tích cực, tốt đẹp, khó tránh được có những cái không phù hợp với truyền thống, bởi vậy cần tiếp thu có chọn lọc các tinh hoa, giá trị tiên tiến của gia đình hiện đại đúng theo quan điểm của Tổng Bí thư Lê Duẩn.
Thứ ba, xã hội ngày càng phát triển, mỗi người đều bị cuốn theo công việc của riêng mình với mục đích kiếm thêm thu nhập, thời gian dành cho gia đình cũng vì vậy mà ngày càng ít đi. Con người như rơi vào vòng xoáy của đồng tiền và vị thế xã hội mà vô tình đánh mất đi tình cảm gia đình. Các thành viên ít quan tâm lo lắng đến nhau và giao tiếp với nhau hơn, làm cho mối quan hệ gia đình trở nên rời rạc, lỏng lẻo... Chính sự coi trọng kinh tế, đặt kinh tế lên hàng đầu ấy đã làm cho những giá trị tốt đẹp xưa của gia đình bị phai nhạt dần, thậm chí còn dễ dẫn tới các hệ lụy xấu. Đó là một số mặt hạn chế của gia đình hiện đại so với gia đình truyền thống xưa. Đúng như quan điểm của đồng chí Lê Duẩn: Mỗi người không chỉ quan tâm đến công việc đến kinh tế mà còn phải có trách nhiệm thiết thực, quan tâm  đến gia đình của mình, những người thân trong gia đình. Xã hội chỉ phát triển khi có những gia đình tốt, những công dân tốt. Xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ và hạnh phúc là góp phần vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc là trách nhiệm của toàn xã hội và mỗi công dân.
Đến hôm nay những giá trị tư tưởng của đồng chí Tổng Bí thư Lê Duẩn về gia đình vẫn còn nguyên giá trị. Trong Báo cáo chính trị của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng một lần nữa đã nhấn mạnh: “Thực hiện chiến lược phát triển gia đình Việt Nam. Phát huy giá trị truyền thống tốt đẹp, xây dựng gia đình no ấm, tiến bộ, hạnh phúc, văn minh”(11). Đúng vậy: Sự trường tồn và phát triển của một dân tộc phụ thuộc rất lớn vào sự tồn tại và phát triển của mỗi gia đình với tư cách là các tế bào cấu thành nên xã hội. Chính vì vậy, để xây dựng nên chế độ xã hội mới xã hội xã hội chủ nghĩa nhất thiết phải có gia đình mới vừa kết hợp một cách hài hòa giữa những giá trị truyền thống của gia đình Việt Nam với những tiến bộ văn minh đương đại có như vậy mới đảm bảo được xã hội Việt Nam đậm đà bản sắc dân tộc nhưng vẫn đáp ứng được yêu cầu trong giai đoạn mới theo quan điểm của Đảng ta hiện nay.
 
 Tài liệu tham khảo:
1. Viện Văn hóa:  Lê Duẩn về văn hóa, văn nghệ, Nxb Văn hóa thông tin, HN, 1977, tr.157.
2, 8. Lê Duẩn: Thanh niên với Cách mạng xã hội chủ nghĩa, Nxb Thanh niên, HN, 1978, tr.190, 276.
3, 4.  Lê Duẩn - một nhà lãnh đạo lỗi lạc, một tư duy sáng tạo lớn của cách mạng Việt Nam(Hồi ký), Nxb. Chính trị quốc gia, Hà nội, 2001, tr.850.
5, 6, 7, 9, 10. Lê Duẩn: Tuyển tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà nội , 2008, t.II, tr.1163, 1163-1164, 1164, 1160, 1162.
11. Văn kiện đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, VPTWĐ, 2016, tr 128.

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây