Quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh về những thành phần kinh tế trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội và sự vận dụng sáng tạo của Đảng ta

Thứ năm - 16/12/2021 08:55
 
                                                                                      ThS. Trần Hữu Hoà
Phòng TC,HC,TT,TL
      Chủ tịch Hồ Chí Minh là một nhà chính trị bàn về kinh tế, tư tưởng kinh tế của Người cơ bản là tư tưởng kinh tế - chính trị. Trên cương vị lãnh đạo quốc gia, Hồ Chí Minh đã đưa ra những quan điểm chỉ đạo về xây dựng và phát triển kinh tế ở một nước nông nghiệp quá độ lên chủ nghĩa xã hội, chưa trải qua chế độ tư bản chủ nghĩa. Quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh về những thành phần kinh tế là một bộ phận đặc sắc trong tư tưởng kinh tế của Người và vẫn giữ nguyên giá trị chỉ đạo đối với đất nước ta trong công cuộc đổi mới phát triển nền kinh tế nhiều thành phần định hướng xã hội chủ nghĩa hiện nay.
      Cơ cấu các thành phần của một nền kinh tế phụ thuộc vào sự tồn tại của các hình thức sở hữu, các kiểu quan hệ sản xuất, vào trình độ phát triển của lực lượng sản xuất, của sản xuất hàng hoá thời kỳ quá độ. Như Lênin đã chỉ rõ: Nền kinh tế trong thời kỳ quá độ, xét về toàn bộ, nó là nền kinh tế quá độ, còn tồn tại nhiều hình thức sở hữu, do đó sự tồn tại của các thành phần kinh tế khác nhau là một tất yếu khách quan. Mỗi thành phần kinh tế còn phát huy tác dụng tích cực, có đóng góp vào quốc kế dân sinh thì không thể dùng mệnh lệnh hành chính mà xoá bỏ ngay một lúc được.
      Khi nghiên cứu Chính sách kinh tế mới của Lênin để vận dụng vào hoàn cảnh cụ thể của Việt Nam, ngay từ trong kháng chiến chống Pháp, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nói rõ, ở vùng tự do của ta, còn tồn tại 6 thành phần kinh tế.
      Trong tác phẩm "Thường thức chính trị" viết năm 1953, Hồ Chí Minh đã nêu rõ bản chất của chế độ công hữu xã hội chủ nghĩa và đã cụ thể  hoá các thành phần kinh tế bao gồm:
       - Kinh tế địa chủ phong kiến bóc lột địa tô.
       - Kinh tế quốc doanh
       - Các hợp tác xã tiêu thụ và hợp tác xã cung cấp
       - Kinh tế cá nhân của nông dân và của thủ công nghệ.
       - Kinh tế tư bản của tư nhân.
       - Kinh tế tư bản quốc.
      Đặc điểm mới của nền kinh tế Việt Nam sau Cách mạng tháng Tám năm 1945 là sự tồn tại của nền kinh tế nhiều thành phần. Đặc biệt, bên cạnh các thành phần kinh tế xã hội chủ nghĩa thì có sự tồn tại của thành phần là kinh tế phong kiến. Đây là thành phần kinh tế mang tính đặc thù, thành phần kinh tế này phản ánh trình độ phát triển kinh tế thấp với chế độ sở hữu phong kiến về ruộng đất và trong hoàn cảnh đặc thù yêu cầu phải tiếp tục kháng chiến để hoàn thành nhiệm vụ cách mạng dân tộc, cách mạng dân chủ. Trên cơ sở nhận thức về tính quy luật chung, tính đặc thù trong nền kinh tế của từng nước. Hồ Chí Minh đã vận dụng sáng tạo quan điểm của V.I.Lênin về đặc điểm kinh tế cơ bản trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội vào hoàn cảnh cụ thể của Việt Nam và trong từng giai đoạn cụ thể. Về cơ cấu kinh tế Việt Nam trong vùng tự do 1945-1954, bên cạnh đảm bảo tính quy luật chung về đặc điểm kinh tế trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội là sự tồn tại khách quan của nền kinh tế nhiều thành phần với các thành phần kinh tế phổ biến, kinh tế quá độ thì vẫn tồn tại thành phần kinh tế mang tính đặc thù. Như vậy, đây chính là điểm sáng tạo của Hồ Chí Minh, đã nhận thức rõ vị trí, vai trò của từng thành phần kinh tế trong nền kinh tế và có sơ sở để hoạch định chính sách đảm bảo ổn định nền kinh tế và góp phần quan trọng đảm bảo kháng chiến thắng lợi.
      Sau năm 1954 miền Bắc hoàn toàn giải phóng và đi lên chủ nghĩa xã hội.  Miền Bắc bước vào thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội, bỏ qua giai đoạn phát triển tư bản chủ nghĩa từ xuất phát điểm rất thấp, với nền kinh tế nông nghiệp lạc hậu, bị chiến tranh tàn phá nặng nề. Cơ sở vật chất – kỹ thuật nghèo nàn. Trình độ, năng suất lao động thấp, đội ngũ cán bộ khoa học – kỹ thuật vừa ít về số lượng, vừa hạn chế về năng lực và kinh nghiệm điều hành, quản lý. Miền Bắc tiến hành xây dựng chủ nghĩa xã hội trong điều kiện đất nước bị chia cắt làm hai miền, vừa có hoà bình, vừa có chiến tranh. Tình hình thế giới phức tạp. Hệ thống xã hội chủ nghĩa bộc lộ một số khó khăn, bất đồng, mâu thuẫn. Vấn đề lý luận về mô hình, con đường đi lên chủ nghĩa xã hội chưa sáng rõ. Từ thực tiễn miền Bắc như vậy, chủ  tịch Hồ Chí Minh đã phân tích và chỉ ra các hình thức sỡ hữu cơ bản trong nền kinh tế miền Bắc, bao gồm: “Sở hữu Nhà nước tức là của toàn dân; sở hữu hợp tác tức sở hữu tập thể của nhân dân lao động; sở hữu của người lao động riêng lẻ, một ít tư liệu sản xuất thuộc sở hữu của nhà tư bản”[1]. Với sự đa dạng của quan hệ sở hữu về tư liệu sản xuất, Người đã xác định rõ những thành phần kinh tế đang tồn tại và hoạt động ở miền Bắc: “Trong chế độ dân chủ mới, có năm loại kinh tế khác nhau:
      A- Kinh tế quốc doanh (thuộc CNXH, vì nó là của chung của nhân dân).
      B- Các hợp tác xã (nó là nửa CNXH, và sẽ tiến đến CNXH).
      C- Kinh tế của cá nhân, nông dân và thủ công nghệ (có thể tiến dần vào hợp tác xã, tức là nữa CNXH).
      D- Tư bản của tư nhân.
      E- Tư bản của Nhà nước (như Nhà nước hùn vốn với tư bản tư nhân để kinh doanh).
      Trong năm loại ấy, loại A là kinh tế lãnh đạo và phát triển mau hơn cả. Cho nên kinh tế ta sẽ phát triển theo hướng chủ nghĩa xã hội chứ không theo hướng chủ nghĩa tư bản”[2]
      Như vậy, cơ cấu thành phần kinh tế trong chế độ dân chủ mới ở Miền Bắc Việt Nam sau năm 1954 so với cơ cấu kinh tế Việt Nam trong vùng tự do 1945-1954 ở những điểm thống nhất và có những điểm thay đổi sau:
      - Điểm thống nhất: Trong nền kinh quá độ lên chủ nghĩa xã hội thì đặc điểm kinh tế cơ bản trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc Việt Nam là sự tồn tại khách quan của các thành phần kinh tế. Và tồn tại các thành phần kinh tế phổ biến: Kinh tế quốc doanh; Kinh tế của cá nhân, nông dân và thủ công nghệ; Tư bản của tư nhân. Thành phần kinh tế quá độ: Các hợp tác xã; Tư bản của Nhà nước.
      - Điểm thay đổi
      Một là, khác với thời kháng chiến, trong chế độ dân chủ mới không còn thành phần kinh tế phong kiến. Cải cách ruộng đất đã triệt tiêu chế độ sở hữu phong kiến về ruộng đất. Người nông dân đã trở thành người cày có rộng, chủ sở hữu ruộng đất. Điều này một lần nữa khẳng định lại nhận định của Hồ Chí Minh: “làm tư sản dân quyền cách mạng và thổ địa cách mạng để đi tới xã hội cộng sản”[3]. Muốn đi tới chủ nghĩa cộng sản thì dân tộc phải độc lập và dân cày phải có ruộng.
      Hai là, các thành phần kinh tế thay đổi về vị trí và vai trò trong nền kinh tế. Kinh tế quốc doanh là hình thức sở hữu toàn dân, lãnh đạo nền kinh tế quốc dân, cần phải ưu tiên phát triển thành phần kinh tế quốc doanh để tạo nền tảng vật chất cho CNXH và thúc đẩy việc cải tạo xã hội chủ nghĩa. Như vậy, vị trí, vai trò của thành phần kinh tế quốc doanh đã có bước phát triển mới, từ chỗ có tính chất chủ nghĩa xã hội đã trở thành thành phần kinh tế thực sự đại diện cho chủ nghĩa xã hội có vai trò “lãnh đạo” trong nền kinh tế và đảm bảo định hướng xã hội chủ nghĩa của sự phát triển kinh tế. "Kinh tế quốc doanh là công. Nó là nền tảng và sức lãnh đạo của kinh tế dân chủ mới. Cho nên chúng ta phải ra sức phát triển nó và nhân dân ta phải ủng hộ nó".
      Đối với thành phần kinh tế quá độ kinh tế hợp tác xã; tư bản của Nhà nước trở nên phố biến, vững chắc và phạm vi mở rộng hơn. Kinh tế hợp tác xã, Người khẳng định, kinh tế hợp tác xã là hình thức sở hữu tập thể của nhân dân lao động; Nhà nước cần đặc biệt khuyến khích, hướng dẫn và giúp đỡ cho nó phát triển. Hợp tác hóa nông nghiệp là khâu chính thúc đẩy công cuộc cải tạo chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc. Kinh nghiệm qua chứng tỏ rằng hợp tác hóa nông nghiệp ở nước ta, cần phải trải qua hình thức tổ đổi công và hợp tác xã sản xuất nông nghiệp. Đó là việc rất cần thiết. Chúng ta phát triển từng bước vững chắc tổ đổi công và hợp tác xã thì hợp tác hóa nông nghiệp nhất định thành công. Tư bản của Nhà nước, Hồ Chí Minh khẳng định: “Đối với những nhà tư sản công thương, Nhà nước không xóa bỏ quyền sở hữu về tư liệu sản xuất và của cải khác của họ; mà ra sức hướng dẫn họ hoạt động nhằm làm lợi cho quốc kế dân sinh, phù hợp với kế hoạch kinh tế của Nhà nước. Đồng thời Nhà nước khuyến khích và giúp đỡ họ cải tạo theo chủ nghĩa xã hội bằng hình thức công tư hợp doanh và những hình thức cải tạo khác”[4]. Kinh tế tư bản Nhà nước, được Nhà nước khuyến khích, giúp đỡ các nhà tư bản đi theo chủ nghĩa xã hội và hướng dẫn hoạt động kinh tế theo một kế hoạch thống nhất. Đây là thành phần kinh tế quá độ trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc nhằm hướng thành phần kinh tế này quay trở lại phục vụ chủ nghĩa xã hội. Kinh tế của cá nhân, nông dân và thủ công nghệ. Hồ Chí Minh cho rằng, “Đối với người làm thủ công và lao động riêng lẻ khác, Nhà nước bảo hộ quyền sở hữu về tư liệu sản xuất của họ, ra sức hướng dẫn và giúp đỡ họ cải tiến cách làm ăn, khuyến khích họ tổ chức hợp tác xã sản xuất theo nguyên tắc tự nguyện”[5]. “Đẩy mạnh cuộc cải tạo xã hội chủ nghĩa đối với thành phần kinh tế cá thể của nông dân, thợ thủ công, những người lao động riêng lẻ khác và đối với thành phần kinh tế tư bản tư doanh, đồng thời nó mở mang và tăng cường lực lượng của thành phần kinh tế quốc doanh, thúc đẩy việc phát triển kinh tế theo chủ nghĩa xã hội”[6].
      Những nhận định của Hồ Chí Minh về cơ cấu thành phần kinh tế trong chế độ dân chủ mới ở Miền Bắc Việt Nam sau năm 1954 đã cho thấy sự vận dụng sáng tạo của Người khi kế thừa quan điểm của V.I.Lênin vào thực tiễn đất nước quá độ lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam, phù hợp với đặc thù lịch sử, kinh tế, chính trị, xã hội và đảm bảo tính quy luật chung, phản ánh tính đặc thù của nền kinh tế trong thời kỳ quá độ có các thành phần kinh tế phổ biến, thành phần kinh tế quá độ đan xen. Những nhận thức đó có ý nghĩa vô cùng to lớn về lý luận, đây là cơ sở khoa học để Hồ Chí Minh đưa ra các quyết sách đúng đắn trên lĩnh vực kinh tế trong quá trình xây dựng CNXH ở miền Bắc trước đây và trên phạm vi cả nước.
      Vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh về các thành phần kinh tế trong nền kinh tế vào điều kiện, hoàn cảnh cụ thể của Việt Nam, từ Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VI đến Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII, Đảng Cộng sản Việt Nam đã nghiên cứu, làm sáng tỏ về cả lý luận và thực tiễn vấn đề về các thành phần kinh tế và khẳng định, đặc điểm kinh tế cơ bản có tính quy luật của thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam là tồn tại khách quan của nhiều thành phần kinh tế dựa trên nhiều hình thức sở hữu khác nhau. Đây là đặc trưng kinh tế cơ bản của thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam.
      Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VI (12/1986) xác định: “Xuất phát từ sự đánh giá những tiềm năng tuy phân tán nhưng rất quan trọng trong nhân dân, cả về sức lao động, kỹ thuật, tiền vốn, khả năng tạo việc làm, chúng ta chủ trương: đi đôi với việc phát triển kinh tế quốc doanh, kinh tế tập thể, tăng cường nguồn tích lũy tập trung của Nhà nước và tranh thủ vốn ngoài nước, cần có chính sách sử dụng và cải tạo đúng đắn các thành phần kinh tế khác”[7] Đồng thời chỉ ra: Ở nước ta các thành phần kinh tế đó là: “Kinh tế xã hội chủ nghĩa; Các thành phần kinh tế khác gồm: Kinh tế tiểu sản xuất hàng hóa (thợ thủ công, nông dân cá thể, những người buôn bán và kinh doanh dịch vụ cá thể); kinh tế tư bản tư nhân; kinh tế tư bản nhà nước dưới nhiều hình thức, mà hình thức cao là công tư hợp doanh; kinh tế tự nhiên, tự cấp, tự túc trong một bộ phận đồng bào dân tộc thiểu số ở Tây Nguyên và các vùng núi cao khác”[8].
      Đại hội VII của Đảng nêu rõ: Trong nền kinh tế thị trường, với quyền tự do kinh doanh được pháp luật bảo đảm, từ ba loại sở hữu cơ bản, sẽ hình thành nhiều thành phần kinh tế với những hình thức tổ chức kinh doanh đa dạng: Kinh tế quốc doanh được củng cố và phát triển trong những ngành và lĩnh vực then chốt; kinh tế tập thể, với hình thức phổ biến là hợp tác xã, phát triển rộng rãi và đa dạng trong các ngành, nghề với quy mô và mức độ tập thể hóa khác nhau, trên cơ sở tự nguyện góp vốn, góp sức của những người lao động. Kinh tế cá thể được khuyến khích phát triển trong các ngành nghề ở cả thành thị và nông thôn. Kinh tế tư bản tư nhân được phát triển không hạn chế về quy mô và địa bàn hoạt động trong những ngành, nghề mà luật pháp không cấm. Kinh tế gia đình không phải là một thành phần kinh tế độc lập nhưng được khuyến khích phát triển mạnh. Nhà nước nhất quán chính sách kinh tế nhiều thành phần, không phân biệt đối xử, không tước đoạt tài sản hợp pháp, không gò ép tập thể hoá tư liệu sản xuất, không áp đặt hình thức kinh doanh.
      Đến Đại hội VIII Đảng ta tiếp tục khẳng định: Thực hiện nhất quán, lâu dài chính sách phát triển nền kinh tế hàng hóa nhiều thành phần. Thực hiện chủ trương, chính sách đối với từng thành phần kinh tế: Kinh tế nhà nước; kinh tế hợp tác mà nòng cốt là các hợp tác xã; kinh tế tư bản nhà nước; kinh tế cá chủ, tiểu chủ; kinh tế tư bản tư nhân.
      Đại hội IX của Đảng ta ghi rõ: Thực hiện nhất quán chính sách phát triển nền kinh tế nhiều thành phần. Các thành phần kinh tế kinh doanh theo pháp luật. Đại hội cũng chỉ rõ các thành phần kinh tế ở nước ta trong giai đoạn này gồm: Kinh tế nhà nước; kinh tế tập thể; kinh tế cá thể tiểu chủ; kinh tế tư bản tư nhân; kinh tế tư bản nhà nước; kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài. Đại hội X của Đảng khẳng định, ở Việt Nam có ba chế độ sở hữu là toàn dân, tập thể và tư nhân, trên cơ sở đó hình thành nhiều thành phần kinh tế gồm: Kinh tế nhà nước; kinh tế tập thể; kinh tế tư nhân; kinh tế tư bản nhà nước; kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài.
      Trong quá trình phát triển đất nước, hội nhập kinh tế quốc tế Đại hội XI của Đảng tiếp tục khẳng định: “Phát triển nhanh, hài hòa các thành phần kinh tế. Kinh tế nhà nước giữ vai trò chủ đạo. Phát triển kinh tế tập thể mà nòng cốt là hợp tác xã. Hoàn thiện cơ chế, chính sách để phát triển mạnh kinh tế tư nhân trở thành một trong những động lực của nền kinh tế. Khuyến khích kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài phát triển theo quy hoạch”[9]. Đại hội cũng chỉ rõ 4 thành phần kinh tế: Kinh tế nhà nước; kinh tế tập thể; kinh tế tư nhân; kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài.
      Đại hội XII của Đảng Cộng sản Việt Nam tiếp tục khẳng định: “Nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa Việt Nam có quan hệ sản xuất tiến bộ phù hợp với trình độ phát triển của lực lượng sản xuất; có nhiều hình thức sở hữu, nhiều thành phần kinh tế, trong đó kinh tế nhà nước đóng vai trò chủ đạo, kinh tế tư nhân là một động lực quan trọng của nền kinh tế; các chủ thể thuộc các thành phần kinh tế bình đẳng, hợp tác và cạnh tranh theo pháp luật; thị trường đóng vai trò chủ yếu trong huy động và phân bổ có hiệu quả các nguồn lực phát triển, là động lực chủ yếu để giải phóng sức sản xuất; các nguồn lực nhà nước được phân bổ theo chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phù hợp với cơ chế thị trường”.[10].
      Để phát triển nhanh và bền vững đất nước, Đại hội XIII của Đảng đã nhấn mạnh: “Nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa Việt Nam có nhiều hình thức sở hữu, nhiều thành phần kinh tế, trong đó kinh tế nhà nước giữ vai trò chủ đạo, kinh tế tập thể, kinh tế hợp tác không ngừng được củng cố, phát triển, kinh tế tư nhân là một động lực quan trọng của nền kinh tế; kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài được khuyến khích phát triển”[11].
      Kết quả của 35 năm đổi mới về kinh tế nước ta tốc độ tăng trưởng bình quân khá cao, trong điều kiện khó khăn (thiên tai, dịch bệnh, môi trường quốc tế  không thuận lợi); Tiềm lực, quy mô của nền kinh tế được nâng lên, GDP năm 2020 đạt 343,6 tỉ USD (đứng thứ 4 Đông Nam Á; Tốc độ tăng trưởng GDP bình quân 5 năm 2016 - 2020 đạt khoảng 6%/năm, năm 2020 đạt 2,91% ; Thu nhập bình quân đầu người đạt 3.521 USD năm 2020. ( xếp thứ 6 ASEAN); Dự trữ ngoại hối đạt gần 100 tỷ USD; Xếp thứ 42/131 quốc gia và nền kinh tế về chỉ số đổi mới và sáng tạo. Những kết quả nêu trên, một lần nữa khẳng định rằng chúng ta hoàn toàn tin tưởng vào đường lối lãnh đạo của Đảng; đi lên chủ nghĩa xã hội là sự lựa chọn đúng đắn, phù hợp với nguyện vọng của nhân dân. Các thành phần kinh tế trong nền kinh tế Việt Nam đảm bảo tính quy luật chung và tính đặc thù và phù hợp với thực tiễn đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội. Mỗi thành phần kinh tế tồn tại có ví trí, vai trò riêng để thực hiện các nhiệm vụ có ý nghĩa chiến lược lâu dài, có tính quy luật từ sản xuất nhỏ đi lên sản xuất lớn chủ nghĩa xã hội và thể hiện tinh thần dân chủ về kinh tế tuân thủ theo pháp luật. Đảng Cộng sản Việt Nam tiếp tục khẳng định: “Kiên định và vận dụng, phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh; kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội; kiên định đường lối đổi mới của Đảng; kiên định các nguyên tắc xây dựng Đảng để xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa"10 ./.
 
 
 

[1] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, H.2011, t.12, tr.372.
[2] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, H.2011, t.8, tr.293-294.
[3] Văn kiện Đảng Toàn tập, Nxb, Chính trị quốc gia, Hà Nội, t. 12, tr. 435
[4] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, H.2000, t.9, tr.589.
[5] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, H.2000, t.9, tr.589.
[6] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, H.2000, t.9, tr.589-590.
[7] Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VI, Nxb. Sự thật, H.1987, tr.56.
[8] Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VI, Nxb. Sự thật, H.1987, tr.56-57
[9] Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XI, Nxb.CTQG, H.2011, tr.101- 102.
[10] Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Văn phòng Trung ương Đảng, H.2016, tr.102-103.
[11] Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb. Chính trị quốc gia, H.2021, t.1, tr.128-129

Tổng số điểm của bài viết là: 10 trong 3 đánh giá

Xếp hạng: 3.3 - 3 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây