Phương pháp, phương pháp luận và vai trò của phương pháp luận Triết học Mác Lênin

Thứ năm - 15/12/2016 07:51
ThS. Trần Thiên Tú
Phó Trưởng khoa LL M-LN, TT HCM
`
Ngoài chức năng thế giới quan, phương pháp luận là một trong hai chức năng cơ bản nhất của triết học, nó định hướng cho con người xác định, lựa chọn, sử dụng phương pháp trong nhận thức và hoạt động thực tiễn một cách hiệu quả. Tuy nhiên, hiện nay, do chưa nghiên cứu sâu, có nhiều người vẫn hiểu chưa đúng và chưa phân biệt giữa phương pháp luận với phương pháp luận triết học; ngoài ra, họ còn đồng nhất phương pháp với phương pháp luận, phương pháp luận với phương pháp hệ, phương pháp luận với phương pháp luận triết học. Việc nhầm lẫn này sẽ đánh giá không đúng vị trí, vai trò của triết học trong cuộc sống cũng như hạ thấp chức năng của triết học.
Hiểu đúng về phương pháp luận nói chung và phương pháp luận triết học nói riêng sẽ có ý nghĩa quan trọng, đặc biệt là đối với hoạt động dạy và học lý luận. Trong giảng dạy lý luận, đặc biệt là triết học, giảng viên sẽ phải chú trọng nhiều hơn đến phần ý nghĩa phương pháp luận; trong quá trình học tập, học viên sẽ hiểu sâu phần này hơn; trong hoạt động thực tiễn, con người sẽ biết vận dụng sáng tạo, triệt để hơn lý luận vào thực tế. Tất cả những điều này sẽ giúp con người hiệu quả hơn trong hoạt động cải tạo tự nhiên và xã hội.
Với tầm quan trọng như trên, con người phải được trang bị lý luận về phương pháp luận, đặc biệt là phương pháp luận triết học. Để hiểu đúng về phương pháp luận, chúng ta phải hiểu về khái niệm phương pháp, phương pháp luận, phương pháp hệ; các cấp độ của phương pháp và phương pháp luận; vai trò của phương pháp luận triết học.
1. Phương pháp, phương pháp hệ, phương pháp luận
a. Phương pháp (methos): Có các cách hiểu về phương pháp như sau:
- Phương pháp là cách thức nghiên cứu, nhìn nhận các hiện tượng của tự nhiên và đời sống xã hội, ví dụ: phương pháp biện chứng, phương pháp so sánh thực nghiệm.
- Phương pháp là hệ thống các cách sử dụng để tiến hành một hoạt động nào đó, ví dụ: phương pháp học tập, làm việc có phương pháp.
Theo phạm vi ảnh hưởng, có thể phân phương pháp thành các cấp độ sau:
- Phương pháp riêng (ngành): là các phương pháp chỉ sử dụng trong các ngành riêng biệt. Mỗi khoa học đều có các phương pháp đặc thù, chỉ sử dụng riêng trong ngành mình, không thể sử dụng cho ngành khác; ví dụ: ẩn dụ, thậm xưng, … trong văn học; log, tích phân, … trong toán học.
- Phương pháp chung: là các phương pháp có thể được áp dụng trong nhiều ngành khác nhau; ví dụ: quy nạp, diễn dịch, phân tích, tổng hợp, điều tra xã hội học, xác suất thống kê, …
- Phương pháp chung nhất: là các phương pháp có thể sử dụng cho tất cả các ngành khoa học, đó là phương pháp của triết học.
b. Phương pháp hệ (Methodica): là nhóm các phương pháp được sử dụng phối hợp trong một lĩnh vực khoa học hay một đề tài cụ thể; là hệ thống các thủ thuật hoặc biện pháp để thực hiện có tuần tự, có hiệu quả một công trình nghiên cứu khoa học. Sử dụng phối hợp các phương pháp là cách tốt nhất phát huy các điểm mạnh và khắc phục điểm yếu của từng phương pháp. Đồng thời chúng hỗ trợ, bổ sung, kiểm tra lẫn nhau trong quá trình nghiên cứu và để khẳng định tính xác thực của các luận điểm khoa học. Như vậy, thì phương pháp hệ thống nhất với nghĩa thứ 2 của “phương pháp” và được sử dụng trong nghiên cứu khoa học.
c. Phương pháp luận (Methodology): hiện nay, có nhiều cách hiểu gần giống nhau về phương pháp luận. Có ba cách hiểu phổ biến nhất:
  • Luận về một phương pháp
  • Hệ thống các phương pháp
  • Khoa học hoặc lý thuyết về phương pháp
Nếu xác định vị trí, thì phương pháp luận “là một bộ phận của logic học, nhằm nghiên cứu một cách hậu nghiệm về các phương pháp”[1]. Phương pháp luận không đề xuất, tạo ra các phương pháp, nó chỉ chọn lọc hoặc tổng hợp những phương pháp. “Đứng trước những con đường khác nhau dẫn đến cùng một mục tiêu, phương pháp luận sẽ chỉ cho ta con đường nào là con đường ngắn nhất, tốt nhất[2].
Như vậy, phương pháp luận được hiểu là hệ thống các nguyên lý, quan điểm (trước hết là những nguyên lý, quan điểm liên quan đến thế giới quan) làm cơ sở, có tác dụng chỉ đạo, xây dựng các phương pháp, xác định phạm vi, khả năng áp dụng các phương pháp và định hướng cho việc nghiên cứu tìm tòi cũng như việc lựa chọn, vận dụng phương pháp. Nói cách khác thì phương pháp luận chính là lý luận về phương pháp, bao hàm hệ thống các phương pháp, thế giới quan và nhân sinh quan của người sử dụng phương pháp và các nguyên tắc để giải quyết các vấn đề đã đặt ra có hiệu quả cao nhất.
Cũng như phương pháp, có thể phân ra các cấp độ phương pháp luận. Phương pháp luận có nhiều cấp độ khác nhau: phương pháp luận ngành là phương pháp luận của các ngành khoa học cụ thể; phương pháp luận chung là các quan điểm, nguyên tắc chung hơn cấp độ ngành, dùng để xác định phương pháp hay phương pháp luận của nhóm ngành có đối tượng nghiên cứu chung nào đó; phương pháp luận chung nhất (phương pháp luận triết học) khái quát các quan điểm, nguyên tắc chung nhất làm cơ sở cho việc xác định các phương pháp luận ngành, chung và các phương pháp hoạt động cụ thể của nhận thức và thực tiễn. Vì phương pháp luận mang tính lý luận cao nên nó có màu sắc triết học, tuy nhiên, không thể đồng nhất phương pháp luận và phương pháp luận triết học. Phương pháp luận của Triết học Mác - Lênin đáp ứng những đòi hỏi của nhận thức khoa học hiện đại cũng như hoạt động cải tạo và xây dựng thế giới mới.
Qua phân tích các khái niệm, phương pháp chính là cách thức con người sử dụng để đạt được những mục đích đặt ra; phương pháp hệnhóm các cách thức con người sử dụng để hoàn thành những nhiệm vụ, thông thường nó liên quan đến hoạt động nghiên cứu khoa học. Phương pháp và phương pháp hệ gắn trực tiếp với quá trình hoạt động thực tiễn. Còn phương pháp luậnlý luận về phương pháp, nghĩa là nó gắn liền với quá trình tư duy, không trực tiếp đến hoạt động thực tiễn được đề ra. Điểm phân biệt giữa phương pháp luận và phương pháp luận triết học chính là phân loại cấp độ.
2. Vai trò của phương pháp luận triết học Mác – Lênin
Vai trò của phương pháp luận triết học đối với nhận thức và thực tiễn thể hiện ở chỗ nó chỉ đạo sự tìm kiếm, xây dựng; lựa chọn và vận dụng các phương pháp để thực hiện hoạt động nhận thức và thực tiễn; đóng vai trò định hướng trong quá trình tìm tòi, lựa chọn và vận dụng phương pháp.
Với tư cách là hệ thống tri thức lý luận chung nhất của con người về thế giới, về vị trí, vai trò của con người trong thế giới đó, triết học đóng vai trò là hạt nhân lý luận của thế giới quan. Triết học giữ vai trò định hướng cho quá trình củng cố và phát triển thế giới quan của mỗi cá nhân, mỗi cộng đồng trong lịch sử. Trang bị thế giới quan đúng đắn mới chỉ là một mặt của triết học Mác - Lênin. Với tư cách là hệ thống tri thức chung nhất của con người về thế giới và vai trò của con người trong thế giới đó, triết học thực hiện chức năng phương pháp luận chung nhất. Phương pháp luận của triết học Mác - Lênin đã góp phần quan trọng chỉ đạo, định hướng cho con người trong nhận thức và hoạt động thực tiễn.
Chính vì những điều trên, trong quá trình giảng dạy triết học, giảng viên cần phải chú trọng hơn vào phần ý nghĩa phương pháp luận, tập trung làm rõ nội dung ý nghĩa phương pháp luận.
Trong kết cấu, phần ý nghĩa phương pháp luận nằm ở cuối bài, ngay sau phần nội dung. Phần này định hướng cho học viên áp dụng kiến thức lý luận đã học vào trong nhận thức và hoạt động thực tiễn. Theo logic thì đây chính là phần cần thiết nhất, phục vụ trực tiếp cho người học. Học viên cần phải nắm vững và ghi nhớ phần này. Để làm được điều đó, giảng viên cần phải chỉ rõ cơ sở lý luận để rút ra ý nghĩa phương pháp luận đó, như thế học viên mới có cơ sở để thừa nhận ý nghĩa phương pháp luận đó bằng sự hiểu biết có cơ sở khoa học chứ không phải bằng sự áp đặt. Cơ sở của ý nghĩa thường nằm ở phần nội dung, chẳng hạn cơ sở của quan điểm khách quan chính là tính thứ nhất của vật chất, cơ sở của quan điểm toàn diện là ở mối liên hệ phổ biến. Vì vậy, giảng viên cần phải chỉ ra mối liên hệ giữa nội dung và phần ý nghĩa, qua đó, họ viên có sự liên tưởng logic hơn.
Khi giảng nội dung ý nghĩa phương pháp luận, giảng viên cần lấy ví dụ để làm rõ nội dung. Từ một hiện tượng, nhiệm vụ cụ thể, giảng viên phải chỉ ra trong nhận thức học viên cần phải như thế nào, và có những hành động gì để hiện thực hóa lý luận đã học. Ví dụ: từ nguyên lý về mối liên hệ phổ biến, giảng viên phải chỉ cho học viên quan điểm toàn diện và lịch sử cụ thể trong nhận thức, đồng thời phải có những tác động vào từng mối liên hệ, có trọng tâm trọng điểm, tránh cào bằng, dàn trãi trong hành động. Đồng thời với đó, giảng viên chỉ ra những quan điểm đối lập, những hạn chế cần phải khắc phục trong nhận thức và hoạt động thực tiễn. Ví dụ: trong khi nhấn mạnh vai trò của thực tiễn thì phải chỉ ra cách phòng chống bệnh kinh nghiệm, đề cao vai trò lý luận thì phải tránh bệnh giáo điều, …
Những luận điểm trên đã minh chứng phải hiểu đúng và phương pháp và phương pháp luận, từ đó có thái độ đúng đắn với phương pháp luận triết học Mác – Lênin, đồng thời giúp học viên học chương trình Trung cấp LLCT-HC ở các trường chính trị có cách nhìn các sự vật, hiện tượng trong đời sống kinh tế - xã hội và có cách giải thích, giải quyết hợp lý, cách biến tư duy thành hành động, biến lý luận khoa học thành thực tiễn cải tạo tự nhiên, xã hội.
 

[1] Lê Tử Thành: Logic học và phương pháp luận nghiên cứu khoa học, NXB. Trẻ, TP.HCM, 1996, tr.18.
[2] Sđd, tr.19

Tổng số điểm của bài viết là: 123 trong 29 đánh giá

Xếp hạng: 4.2 - 29 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây