Phát huy hiệu quả việc thực hiện Quy chế dân chủ cơ sở tạo đồng thuận trong nhân dân ở tỉnh Quảng Trị

Thứ hai - 06/12/2021 14:10
                                                                                     ThS. Nguyễn Thị Mỹ Vân
Phòng QLĐT&NCKH

    Kể từ khi thực hiện Chỉ thị 30 - CT/TW ngày 18/2/1998 của Bộ Chính trị (Khóa VIII) về xây dựng và thực hiện Quy chế dân chủ ở cở sở, Đảng, Nhà nước đã ban hành cụ thể hóa bằng các nghị quyết của Quốc hội, nghị định của Chính phủ và Pháp lệnh; đến nay việc thực hiện dân chủ ở cơ sở ở nước ta dần hoàn thiện và đi vào thực tiễn của đời sống xã hội. Trong những năm qua, tỉnh Quảng Trị luôn xác định việc thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở là một nhiệm vụ quan trọng của các cấp ủy, chính quyền, MTTQ và các tổ chức đoàn thể, luôn gắn việc phát huy dân chủ với nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng - an ninh, xây dựng Đảng, chính quyền trong sạch, vững mạnh. Từ đó, tạo được sự đồng thuận cao trong nhân dân, phát huy tối đa quyền làm chủ của nhân dân, thực hiện tốt phong cách "trọng dân, gần dân, hiểu dân, học dân và có trách nhiệm với dân” của chủ tịch Hồ Chí Minh.
    Sau khi Bộ Chính trị ban hành Kết luận số 120-KL/TW ngày 07 tháng 01 năm 2016 về việc tiếp tục đẩy mạnh, nâng cao chất lượng, hiệu quả việc xây dựng và thực hiện QCDC ở cơ sở, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành công văn số 106-CV/TU, ngày 30/3/2016 chỉ đạo các cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể chính trị - xã hội trong tỉnh tổ chức quán triệt, triển khai, rà soát và chỉ đạo tăng cường thực hiện các chủ trương của Đảng, các nghị quyết của Chính phủ về thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở trên các loại hình. Từ đầu nhiệm kỳ Đại hội Đảng bộ tỉnh Quảng Trị lần thứ XVI đến nay, Tỉnh ủy đã ban hành các nghị quyết chuyên đề và cụ thể hóa thành các văn bản, để  phù hợp với tình hình thực tế của địa phương như: Nghị quyết số 01- NQ/TU ngày 15/4/2016 về đẩy mạnh cải cách hành chính, nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh giai đoạn 2016-2020; Nghị quyết Số 02-NQ/TU ngày 04/11/2016 về phát triển đô thị tỉnh Quảng Trị giai đoạn 2016-2021, định hướng đến năm 2025; Nghị quyết Số 03-NQ/TU ngày 9/11/2016 về xây dựng phát triển Khu kinh tế Đông Nam Quảng Trị đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030; Nghị quyết Số 04 - NQ/TU ngày 20/4/2017 về đẩy mạnh cơ cấu nông nghiệp gắn với thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới tỉnh Quảng Trị giai đoạn 2017-2020, định hướng đến năm 2025.
    Việc thực hiện Quy chế dân chủ cơ sở đã góp phần phát huy được tiềm năng, sức sáng tạo của nhân dân tham gia có hiệu quả những nội dung “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra” trên các lĩnh vực, công việc địa phương như công khai cho Nhân dân quyết định và giám sát các dự án, quy hoạch sử dụng đất, khu, cụm công nghiệp, kế hoạch kinh tế - xã hội, chương trình xây dựng nông thôn mới, phương án và dự toán quyết toán ngân sách xã; các quy định về thủ tục hành chính, đối tượng và mức thu các loại phí, lệ phí và các nghĩa vụ tài chính khác do chính quyền cấp xã trực tiếp thu, chương trình vay vốn phát triển sản xuất, giảm nghèo…thông qua các phương tiện truyền thanh, cuộc họp thôn, bản, tổ dân phố được niêm yết công khai tại trụ sở uỷ ban nhân dân xã, phường, thị trấn, nhà văn hóa thôn, bản, khu phố; tổ chức họp dân thường xuyên theo định kỳ, nhân dân được phát huy quyền làm chủ trong việc bàn, quyết định các công việc của thôn, bản, tổ dân phố phù hợp với quy định. Hiện nay có 100% xã, phường, thị trấn đã triển khai cơ chế một cửa, một cửa liên thông. Mô hình “một cửa điện tử” trong giải quyết các thủ tục hành chính được công khai, minh bạch từ khâu tiếp nhận, giải quyết đến trả kết quả cho tổ chức, công dân đồng thời giúp cho công tác quản lý, kiểm soát của lãnh đạo các xã, phường, thị trấn đối với nhân dân trong quá trình giải quyết, điều đó đã nâng cao sự hài lòng của người dân trong việc giải quyết các thủ tục hành chính. Quy trình sáp nhập, sắp xếp các chức danh cán bộ thôn, bản, khu phố được địa phương tập trung triển khai thực hiện dân chủ thông qua trưng cầu ý kiến của Nhân dân để xây dựng các đề án sáp nhập thôn, bản, khu phố và cấp xã tinh gọn, hoạt động hiệu lực hiệu quả, đã thực hiện sắp xếp 33 đơn vị hành chính cấp xã, 522 thôn, bản, khu phố và sau sắp xếp giảm 16 xã, còn lại 125 xã giảm 258 cán bộ, công chức và 227 người hoạt động không chuyên trách cấp xã, sau sát nhập giảm được 283 thôn, khu phố và 849 người hoạt động chuyên trách ở thôn, khu phố. Hoạt động chính quyền cơ sở đã chủ động, tích cực trong việc đối thoại và lắng nghe ý kiến, kiến nghị của Nhân dân để tập trung giải quyết tốt những nguyện vọng và lợi ích chính đáng của Nhân dân. Các cấp ủy, chính quyền tạo điều kiện thuận lợi cho Nhân dân trực tiếp giám sát thông qua Ban Thanh tra nhân dân, Ban Giám sát đầu tư của cộng đồng, Tổ nhân dân tự quản…qua đó phát hiện những trường hợp vi phạm, có dấu hiệu vi phạm được chính quyền giải quyết kịp thời thỏa đáng, trong 5 năm qua từ 2016-2020 đã giám sát 4.941 vụ việc, phát hiện, kiến nghị đã giải quyết 725/1.349 vụ việc, giám sát 7.401 dự án, công trình, kiến nghị xử lý 1.009/1.964 vụ việc. Ban vận động “Quỹ vì người nghèo” các cấp trong tỉnh đã hỗ trợ xây dựng và sửa chữa 63 công trình dân sinh như trường học, trạm y tế đường giao thông nông thôn, trung tâm học tập cộng đồng ở khu dân cư các xã đăng ký đạt chuẩn nông thôn mới, trị giá 24.84 tỷ đồng tiêu biểu như các huyện Cam Lộ, Triệu Phong, Vĩnh Linh, Hải Lăng; với nhiều giải pháp đồng bộ đến năm 2020 số xã đạt chuẩn nông thôn mới là 57/101 xã, đạt tỷ lệ 56,4% (so với năm 2015 chỉ đạt 15,38%). Đạt được những kết quả đó chính từ cơ chế chính sách đã được nhân dân bàn bạc và sự tham gia hưởng ứng mạnh mẽ của nhân dân, tự nguyện đóng góp công sức nên trật tự trị an trong cộng đồng ngày càng đảm bảo, vai trò tự quản được phát huy, đời sống người dân sau sự cố môi trường biển, bão lũ, dịch bệnh Covid -19 nhanh chóng ổn định. Điều đó cho thấy việc thực hiện dân chủ ở xã, phường, thị trấn là một chủ trương đúng đắn, hợp “Ý Đảng, lòng dân” nên được nhân dân ủng hộ, đồng tình.
    Việc xây dựng và thực hiện quy chế dân chủ cơ sở gắn liền với chương trình cải cách hành chính, nâng cao nhận thức và trách nhiệm của cán bộ, công chức, viên chức trong hiệu quả công tác và ý thức phục vụ Nhân dân. Phong trào “03 không, 03 nên, 03 cần” trong cán bộ, công chức, viên chức bước đầu đã phát huy hiệu quả. Các ngành, các cấp đã sắp xếp tinh gọn tổ chức, bộ máy hoạt động hiệu lực, hiệu quả, xác định rõ hơn nhiệm vụ, rà soát, bãi bỏ một số văn bản không phù hợp, các thủ tục phiền hà, đăng tải công khai, dân chủ các thông tin và giải quyết thủ tục hành chính qua hệ thống thông tin điện tử, trang web, cùng với đó công khai đường dây “nóng”, xây dựng tiêu chuẩn ISO, hiện đại trong thực hiện dịch vụ công. Trung tâm hành chính cổng của tỉnh đã đi vào hoạt động từ tháng 7/2019 đảm bảo phục vụ tốt hơn nhu cầu giao dịch của người dân và doanh nghiệp. Tập trung chỉ đạo các cấp, các ngành, địa phương tiếp tục phát huy kết quả thực hiện các nội dung đánh giá, hiệu quả quản trị hành chính công cấp tỉnh (chỉ số PAPI), năm 2020 đứng thứ 34/63 tỉnh. Việc xây dựng và thực hiện quy chế dân chủ cơ sở đã gắn liền với chương trình cải cách hành chính, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cán bộ, công chức nâng cao hiệu quả công tác và ý thức phục vụ nhân dân.
     Việc thực hiện dân chủ tại nơi làm việc theo Nghị định số 60/2013/NĐ-CP và nghị định số 149/2018/NĐ-CP của Chính phủ được các cơ quan, đơn vị, địa phương tiếp tục quan tâm triển khai và có nhiều chuyển biến trong các loại hình doanh nghiệp, đến nay 100% doanh nghiệp trực thuộc Đảng ủy khối cơ quan và doanh nghiệp tỉnh tổ chức hội nghị người lao động, cụ thể hóa việc thực hiện quy chế dân chủ cơ sở bằng các quy định, quy chế cụ thể, đúng với đặc điểm và loại hình doanh nghiệp, thông qua hội nghị người lao động và đối thoại nơi làm việc các ý kiến, đề xuất về các điều kiện, phương tiện, môi trường lao động, các chế độ chính sách đều được chủ doanh nghiệp tiếp thu, giải trình, giải quyết tại hội nghị. Các quy định, quy chế liên quan trực tiếp đến quyền và lợi ích của ngời lao động đều được công khai, minh bạch góp phần trong việc ổn định tư tưởng, giữ gìn khối đoàn kết thống nhất trong doanh nghiệp. Thông qua các buổi đối thoại trao đổi trực tiếp giữa người lao động hoặc đại diện tập thể lao động với người sử dụng lao động nhằm chia sẻ thông tin, tăng cường sự hiểu biết giữa người lao động và người sử dụng lao động để đảm bảo thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở tại nơi làm việc, số lượng doanh nghiệp tổ chức đối thoại có 96/175 doanh nghiệp (đạt tỷ lệ 56%)
    Tuy vậy, bên cạnh những kết quả đạt được, vẫn còn một số hạn chế như: trong công tác tuyên truyền, phổ biến, quán triệt các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước ở một số địa phương, cơ quan, đơn vị chưa thường xuyên và chưa thực sự tạo được sự chuyển rõ nét trong cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân, nhất là đối với người lao động và người sử dụng lao động trong các doanh nghiệp khu vực ngoài nhà nước. Trong việc thực hiện phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra” có khâu còn hình thức, việc công khai một số chương trình, dự án, công trình ở một số địa phương, cơ sở chưa đầy đủ và chưa thực hiện đúng quy trình lấy ý kiến của Nhân dân, quá trình triển khai chưa đảm bảo quyền giám sát của Nhân dân nên dẫn đến nảy sinh bức xúc, một số vụ việc khiếu kiện kéo dài, vượt cấp, chưa giải quyết triệt để. Một số nơi vẫn còn tình trạng nể nang, né tránh, ngại va chạm, chưa tạo điều kiện thuận lợi để người dân tiếp cận thông tin, nhất là công khai quy hoạch quản lý trật tự xây dựng đô thị, công khai tài chính, việc quản lý, sử dụng các nguồn thu trong Nhân dân. Sau khi thực hiện chủ trương sáp nhập các đơn vị hành chính cấp xã, thôn, bản, khu phố, hình thành một số đơn vị hành chính có địa giới rộng đã phần nào có sự khó khăn trong việc tổ chức họp dân, tiếp xúc cử tri, sinh hoạt ở khu dân cư tỷ lệ thấp; việc xây dựng và thực hiện hương ước, quy ước trong cộng đồng dân cư có nơi còn hình thức; Ban Thanh tra nhân dân ở một số địa phương hoạt động chưa hiệu quả, thường xuyên. Hoạt động của một số Ban chỉ đạo xây dựng và thực hiện quy chế dân chủ cơ sở chưa thường xuyên, trách nhiệm của các thành viên chưa cao, kinh phí hoạt động còn phụ thuộc và công tác tập huấn, bồi dưỡng, kiểm tra, giám sát, sơ kết, tổng kết, kiểm điểm việc thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở của một số cấp ủy còn ít được quan tâm chỉ đạo thường xuyên. Việc triển khai thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở trong các loại hình doanh nghiệp ngoài quốc doanh, tổ chức, hợp tác xã, hộ gia đình,cá nhân có thuê mướn sử dụng lao động còn nhiều hạn chế, không ít doanh nghiệp chưa thực hiện tốt các quy định về chế độ bảo hộ lao động, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động; chưa tổ chức trao đổi và ký thỏa ước lao động tập thể hoặc đã ký nhưng chưa bảo đảm quyền lợi cho người lao động; tổ chức đối thoại với người lao động còn hình thức, chưa đảm bảo thời gian theo quy định pháp luật; chưa thực sự phát huy được vai trò và trách nhiệm của người lao động trong việc thực hiện quyền dân chủ, tự bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng, hợp pháp tham gia phát triển doanh nghiệp.
    Thực tiễn cho thấy, việc thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở đã phát huy vai trò làm chủ của Nhân dân, là nhân tố quyết định tạo sự đồng thuận xã hội. Để phát huy hơn nữa các kết quả đạt được trong thời gian qua và khắc phục những hạn chế đang tồn tại, theo tôi cần thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ như sau:
    Thứ nhất, các cấp ủy Đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể cần tiếp tục quán triệt sâu sắc, nhận thức đầy đủ toàn diện các quan điểm chỉ đạo của Đảng và pháp luật của nhà nước; tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến, triển khai sâu rộng Kết luận số 120-KL/TW ngày 07/01/2016 của Bộ Chính trị về “Tiếp tục đẩy mạnh, nâng cao chất lượng, hiệu quả việc xây dựng và thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở” gắn với thực hiện nghị quyết đại hội Đảng các cấp; triển khai các chương trình hành động, kế hoạch, các cuộc vận động, các phong trào thi đua yêu nước như “Dân vận khéo”, phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”…đảm bảo thiết thực, hiệu quả gắn với tình hình thực tế ở cơ sở.
    Thứ hai, việc xây dựng và thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, trong đó trước hết là trách nhiệm của người đứng đầu các đơn vị, địa phương. Người đứng đầu các cơ quan, đơn vị phải tăng cường phát huy dân chủ trong Đảng, công khai và minh bạch trong điều hành chính quyền, đề cao vai trò trách nhiệm, tính tiên phong và gương mẫu, đẩy mạnh việc phê và tự phê bình, xây dựng nội bộ Đảng, cơ quan, đơn vị đoàn kết, thống nhất gắn liền nhiệm vụ chính trị địa phương, đơn vị. Nâng cao nhận thức của người đứng đầu cơ quan, đơn vị về tầm quan trọng việc thực hiện tốt quy chế dân chủ cơ sở thông qua việc gắn kết quả thực hiện quy chế dân chủ cơ sở với việc đánh giá xếp loại cuối năm.
    Thứ ba, cần tăng cường kỷ cương, kỷ luật, xử lý nghiêm minh đối với các vụ việc tiêu cực, tham nhũng, lãng phí; giải quyết kịp thời khiếu nại, tố cáo của công dân; kiên quyết đấu tranh những trường hợp lợi dụng dân chủ, nhân quyền, dân tộc, tôn giáo chống phá Đảng, Nhà nước gây mất ổn định trật tự về an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội.
    Thứ tư, các cơ quan hành chính nhà nước, chính quyền các cấp cần tiếp tục nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước nhằm bảo đảm chính sách, pháp luật được thực thi có hiệu quả. Đẩy mạnh hơn nữa cải cách hành chính, tạo thuận lợi để nhân dân thực hiện các thủ tục hành chính, ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin. 
    Thứ năm, nâng cao chất lượng dân chủ đại diện, mở rộng dân chủ trực tiếp; tăng cường đối thoại, tiếp xúc và đổi mới các hình thức lấy ý kiến tham gia của Nhân dân, tích cực vận động nhân dân thực hiện quyền và nghĩa vụ công dân; kết hợp phát động các phong trào thi đua yêu nước, đẩy mạnh phát triển kinh tế, xã hội, đồng thời chăm lo đời sống vật chất, tinh thần Nhân dân, đây là cơ sở cần thiết quan trọng cho việc xây dựng và thực hiện quy chế dân chủ cơ sở.
    Thứ sáu, củng cố và nâng cao chất lượng hoạt động của các Ban chỉ đạo thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở, của các tổ chức chính trị - xã hội và hoạt động của các Ban Thanh tra nhân dân. Tăng cường phân công và nâng cao trách nhiệm của các thành viên. Cần đổi mới công tác chỉ đạo theo hướng sát dân, gần dân, công khai, minh bạch và hướng mọi hoạt động về cơ sở nhằm kịp thời phát hiện những khó khăn vướng mắc trong quá trình thực hiện để xem xét, giải quyết.
    Thứ bảy, cần nâng cao chất lượng công tác thông tin tuyên truyền để nâng cao nhận thức của nhân dân, nhất là thông tin về các chính sách, luật pháp liên quan trực tiếp, giúp người dân tự giác thực thi pháp luật và thực hiện tốt quyền dân chủ trực tiếp theo quy định của pháp luật. Chú trọng xây dựng và nhân rộng và tuyên truyền các gương điển hình, mô hình tốt về xây dựng và thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở; đồng thời phát hiện xử lý những vi phạm quyền làm chủ của nhân dân, tạo niềm tin vững chắc của nhân dân đối với Đảng, chính quyền.
    Thứ tám, nâng cao vai trò giám sát và phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội đối với những vấn đề có liên quan trực tiếp đến quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân ở cơ sở, góp phần hạn chế khiếu nại, tố cáo.
    Đẩy mạnh thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở là nhiệm vụ trọng tâm trong công tác năm 2021, các cấp uỷ, chính quyền trong tỉnh Quảng Trị đã và đang tích cực tiếp tục triển khai thực hiện nhằm tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức, thống nhất trong hành động của các cấp ủy, hệ thống chính trị về tăng cường và đổi mới sự lãnh đạo của Đảng, kết quả đã nhận được nhiều chuyển biến rõ rệt trên nhiều lĩnh vực, góp phần tích cực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, tạo sự đồng thuận cao trong nhân dân./

 

Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 5 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây