Những thông tin định hướng cơ bản về đổi mới tổ chức và hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 6 khóa XII

Thứ bảy - 05/05/2018 08:42
 
ThS. Nguyễn Thị Diệu Hằng
GV Khoa Nhà nước và Pháp luật
Hệ thống đơn vị sự nghiệp công lập giữ vai trò nòng cốt trong cung ứng dịch vụ sự nghiệp công, đảm bảo an sinh xã hội, tạo cơ hội thuận lợi, bình đẳng cho mọi người dân trong việc thụ hưởng các dịch vụ thiết yếu với chất lượng ngày càng cao, chi phí hợp lý hơn và phục vụ quản lý nhà nước.
Nghị quyết số 19-NQ/TW Hội nghị lần thứ 6 Ban chấp hành Trung ương Khóa XII về Tiếp tục đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập đã khẳng định: “Các đơn vị sự nghiệp công lập giữ vai trò chủ đạo, vị trí then chốt trong cung ứng dịch vụ sự nghiệp công và thực hiện chính sách an sinh xã hội. Hệ thống pháp luật về đơn vị sự nghiệp công từng bước được hoàn thiện. Việc thực hiện cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm của các đơn vị sự nghiệp công lập đã đạt được kết quả bước đầu. Chính sách xã hội hóa cung ứng dịch vụ sự nghiệp công đã góp phần mở rộng mạng lưới, tăng quy mô, số lượng và nâng cao chất lượng các đơn vị sự nghiệp ngoài công lập.
Tuy nhiên, công tác đổi mới hệ thống tổ chức các đơn vị sự nghiệp công lập còn chậm. Hệ thống tổ chức các đơn vị sự nghiệp còn cồng kềnh, manh mún, phân tán, chồng chéo; Cơ cấu đội ngũ cán bộ, viên chức chưa hợp lý, chất lượng chưa cao, năng suất lao động thấp. Việc thực hiện xã hội hóa lĩnh vực dịch vụ sự nghiệp công còn chậm. Hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước còn hạn chế.”
Tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc về Học tập, quán triệt các nghị quyết Hội nghị Trung ương 6 ngày 29/11/2017, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cho biết hiện cả nước có 57.995 đơn vị sự nghiệp công lập, trong đó trung ương là 1.206 đơn vị, địa phương là 56.789. Tổng số biên chế là gần 2,45 triệu người (trong đó hai ngành y tế và giáo dục chiếm gần 70% số biên chế). Khối đơn vị sự nghiệp chiếm tới 38% tổng quỹ lương ngân sách.
Tuy số lượng lớn như vậy, nhưng chỉ có 123 đơn vị tự bảo đảm chi thường xuyên và chi đầu tư; 1.934 đơn vị tự đảm bảo chi thường xuyên; 12.968 đơn vị đảm bảo một phần chi thường xuyên; 42.146 đơn vị do ngân sách nhà nước đảm bảo hoàn toàn hoạt động.
Để nâng cao chất lượng hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập, Đảng và Nhà nước đã ban hành rất nhiều chủ trương, chính sách. Đó là Nghị định số 10/2002/NĐ-CP ngày 16/01/2002 của Chính phủ về chế độ tài chính áp dụng cho đơn vị sự nghiệp có thu, tiếp theo đó là Nghị định số 43/2006/NĐ-CP ngày 25/4/2006 quy định quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm về thực hiện nhiệm vụ, tổ chức bộ máy, biên chế và tài chính đối với đơn vị sự nghiệp công lập; và Nghị định số 16/2015/NĐ-CP  ngày 14/02/2015 về cơ chế tự chủ của đơn vị sự nghiệp công lập. Trong đó, Nhà nước khuyến khích và tạo điều kiện cho tất cả các đơn vị sự nghiệp công lập có đủ điều kiện, cam kết tự đảm bảo kinh phí hoạt động chi thường xuyên và chi đầu tư được thực hiện tự chủ, tự chịu trách nhiệm toàn diện về nhiệm vụ, tổ chức bộ máy, nhân sự và tài chính.
Tuy nhiên, “việc thể chế hóa các chủ trương của Đảng thành chính sách, pháp luật của Nhà nước về lĩnh vực sự nghiệp công còn chậm, chưa đầy đủ, đồng bộ và phù hợp với tình hình. Nhiều cấp ủy đảng, lãnh đạo và người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị nhận thức chưa đầy đủ, thiếu quyết tâm chính trị, thiếu quyết liệt và đồng bộ trong chỉ đạo, tổ chức thực hiện đổi mới, sắp xếp lại, quản lý biên chế các đơn vị sự nghiệp công lập.”[1]
Trên cơ sở Nghị quyết số 19-NQ/TW ngày 25/10/2017 về Tiếp tục đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 08/NQ-CP ngày 28/01/2018 về Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 19-NQ/TW với những mục tiêu, lộ trình cụ thể.
Thứ nhất, về mục tiêu giai đoạn đến năm 2021, giảm tối thiểu bình quân cả nước 10% (bằng 5.792) đơn vị sự nghiệp công lập và 10% (bằng 205.369) biên chế sự nghiệp hưởng lương từ ngân sách nhà nước so với năm 2015; có 10% (bằng 5.792) đơn vị tự chủ tài chính, giảm bình quân 10% chi trực tiếp từ ngân sách nhà nước cho các đơn vị sự nghiệp công lập so với giai đoạn 2011 - 2015. Hoàn thành cơ bản việc chuyển đổi các đơn vị sự nghiệp kinh tế và sự nghiệp có đủ điều kiện thành công ty cổ phần (trừ các bệnh viện và trường học).
Giai đoạn đến năm 2025, tiếp tục giảm tối thiểu bình quân cả nước 10% (bằng 5.213) đơn vị sự nghiệp công lập và 10% (bằng 184.832) biên chế sự nghiệp hưởng lương từ ngân sách nhà nước so với năm 2021; chấm dứt hợp đồng lao động không đúng quy định trong các đơn vị sự nghiệp công lập; có tối thiểu 20% (bằng 10.426) đơn vị tự chủ tài chính, 100% đơn vị sự nghiệp kinh tế và sự nghiệp khác có đủ điều kiện hoàn thành chuyển đổi thành công ty cổ phần; tiếp tục giảm bình quân 10% chi trực tiếp từ ngân sách nhà nước cho đơn vị sự nghiệp công lập so với giai đoạn 2016 - 2020.
Giai đoạn đến năm 2030, chỉ còn các đơn vị sự nghiệp công lập phục vụ nhiệm vụ chính trị, phục vụ quản lý nhà nước và các đơn vị cung ứng các dịch vụ sự nghiệp công cơ bản, thiết yếu; giảm 10% (bằng 166.349) biên chế sự nghiệp hưởng lương từ ngân sách nhà nước so với năm 2025; giảm bình quân 15% chi trực tiếp từ ngân sách nhà nước cho đơn vị sự nghiệp công lập so với giai đoạn 2021 - 2025.
Thứ hai, về tổ chức hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập: đối với 07 lĩnh vực hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập (giáo dục mầm non, phổ thông; giáo dục nghề nghiệp; y tế; khoa học và công nghệ; văn hóa, thể dục, thể thao; nông nghiệp và phát triển nông thôn; tài nguyên và môi trường) tiến hành rà soát, sắp xếp, giải thể hoặc sáp nhập các đơn vị hoạt động kém hiệu quả theo hướng chỉ một đầu mối cung cấp dịch vụ công, nâng cao chất lượng hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập và phù hợp với nhu cầu, điều kiện thực tế của địa phương.
Thứ ba, về nguồn nhân lực của các đơn vị sự nghiệp công lập: giai đoạn đến năm 2021, giảm tối thiểu 10% (bình quân mỗi năm giảm tối thiểu 2,5%) biên chế sự nghiệp hưởng lương từ ngân sách nhà nước so với năm 2015; đến năm 2025 giảm 10% (bình quân mỗi năm giảm tối thiểu 2%) biên chế sự nghiệp hưởng lương từ ngân sách nhà nước so với năm 2021.
Giai đoạn đến năm 2030, giảm 10% (bình quân mỗi năm giảm tối thiểu 2,5%) biên chế sự nghiệp hưởng lương từ ngân sách nhà nước so với năm 2025.
Các giải pháp được Chính phủ đề ra để thực hiện các mục tiêu đó bao gồm:
Một là, đẩy mạnh thí điểm việc thi tuyển và thực hiện thuê giám đốc điều hành tại các đơn vị sự nghiệp công lập. Thực hiện chế độ hợp đồng viên chức có thời hạn đối với những trường hợp tuyển dụng mới (trừ các đơn vị sự nghiệp công lập ở vùng sâu, vùng xa, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn).
Hai là, thực hiện nghiêm việc đánh giá, phân loại viên chức hằng năm theo quy định hiện hành để đưa ra khỏi đội ngũ những người có 02 năm liên tiếp không hoàn thành nhiệm vụ. Chấm dứt việc tự phê duyệt và giao biên chế sự nghiệp vượt quá số lượng được cơ quan có thẩm quyền giao hoặc thẩm định; có kế hoạch và giải pháp để giải quyết dứt điểm số viên chức và số người lao động vượt quá số biên chế được giao (trừ các đơn vị đã tự chủ tài chính).
Ba là, tổ chức phân loại viên chức theo vị trí việc làm và rà soát, sắp xếp, cơ cấu lại và tinh giản biên chế đối với các chức danh kế toán, y tế học đường tại các trường mầm non, phổ thông và các chức danh lái xe, bảo vệ, nhân viên phục vụ trong các đơn vị sự nghiệp công lập. Thực hiện nghiêm quy định về số lượng lãnh đạo cấp phó.
Tại Quảng Trị, ngày 19 tháng 4 năm 2018, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh đã tiến hành hội nghị bàn về kế hoạch thực hiện các nội dung của Nghị quyết Trung ương 6 khóa XII. Trong bài phát biểu của đồng chí Nguyễn Văn Hùng, Uỷ viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch Hội đồng nhân dân tỉnh nêu rõ:
“Ban Thường vụ Tỉnh ủy xác định mục tiêu chung là sắp xếp, tổ chức lại các đơn vị sự nghiệp công lập theo hướng tinh gọn, có cơ cấu hợp lý để đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, có năng lực tự chủ, quản trị tiên tiến, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; giảm mạnh đầu mối, khắc phục tình trạng manh mún, dàn trải và trùng lắp; tinh giản biên chế gắn với cơ cấu lại, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, viên chức; giảm mạnh tỷ trọng, nâng cao hiệu quả chi ngân sách cho các đơn vị sự nghiệp công lập. Phát triển thị trường dịch vụ sự nghiệp công và thu hút mạnh mẽ các thành phần kinh tế tham gia phát triển dịch vụ sự nghiệp công. 
Giai đoạn 2015 - 2021 tỉnh dự kiến sắp xếp, tổ chức lại các đơn vị sự nghiệp công lập theo hướng giảm 185 đơn vị (đạt 27,8%); giai đoạn 2021 - 2025 dự kiến giảm 8 đơn vị do cổ phần hóa và chuyển ra ngoài công lập, như vậy đến năm 2025 giảm 193 đơn vị, đạt 29%; so với Nghị quyết 19 là vượt 9%. Trong đó lĩnh vực giáo dục đào tạo giảm 107 đơn vị (64 trường giảm trong năm học 2017 - 2018, tức là thực hiện ngay trong năm học mới sắp tới; 43 trường giảm trong năm học 2018 - 2019) với các tiêu chí sáp nhập như Đề án đã nêu. Các lĩnh vực y tế, khoa học và công nghệ, nông nghiệp và phát triển nông thôn, văn hóa thể dục thể thao và sự nghiệp khác đều có các phương án tinh giản, thu gọn bộ máy theo hướng sáp nhập, hợp nhất, tổ chức lại, điều chuyển chức năng nhiệm vụ về một đầu mối cho phù hợp, cổ phần hóa..., với các phương án cụ thể cho từng trường hợp, theo đó việc sáp nhập thực hiện trong năm 2018; cổ phần hóa thực hiện từ nay đến năm 2021 và một phần 2021 - 2025 và giao quyền tự chủ theo mục tiêu Nghị quyết đề ra trong từng giai đoạn.
Về tinh giản biên chế, giai đoạn 2015 - 2021 giảm 1.786 biên chế (10%); giai đoạn 2021- 2025 giảm 1.607 chỉ tiêu; giai đoạn 2025-2030 giảm 1.557 chỉ tiêu biên chế.
Những tổ chức đã có phương án sáp nhập, phù hợp với thực tế của địa phương, ngành thì tiến hành ngay để sớm ổn định tổ chức, đi vào hoạt động. Đối với những tổ chức có phương án sáp nhập nhưng chưa có cơ sở pháp lý đầy đủ thì nghiên cứu thực hiện thí điểm trước khi thực hiện đồng bộ. Đối với sáp nhập các trường trong cùng một xã cần thực hiện đồng bộ, hoàn thành trước khi bước vào năm học mới để đảm bảo công tác dạy và học; đối với các đơn vị chuyển sang tự chủ hoặc cổ phần hóa thì đẩy nhanh tiến độ nhưng phải có lộ trình hợp lý để đơn vị thực hiện đầy đủ các quyền lợi, lợi ích cho người lao động và nghĩa vụ đối với Nhà nước.”
Nghị quyết số 19-NQ/TW, Chương trình hành động của Chính phủ là cơ sở để đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập, gắn với đổi mới hệ thống chính trị và cải cách hành chính, đáp ứng nhu cầu cung ứng các dịch vụ công ngày càng hiện đại cho các cá nhân và tổ chức./.
 
 
 
 
 

[1] Nghị quyết số 19-NQ/TW ngày 25/10/2017 về tiếp tục đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây