Ngày hội đại đoàn kết toàn dân tộc tại Quảng Trị - một biểu hiện cụ thể và sinh động của tư tưởng Hồ Chí Minh về đại đoàn kết

Thứ tư - 05/12/2018 20:30

 
ThS. Nguyễn Thị Hồng Sâm
Trưởng Phòng Đào tạo
 
 
       Lịch sử dân tộc Việt Nam là hành trình của dựng nước và giữ nước, yếu tố quan trọng để dân tộc tồn tại và phát triển chính là tinh thần đoàn kết giữa các dân tộc anh em. Tinh thần yêu nước của nhân dân ta luôn gắn liền với ý thức cộng đồng, được hình thành và củng cố trong hàng nghìn năm lịch sử đấu tranh dựng nước và giữ nước, tạo thành một truyền thống bền vững thấm sâu vào tư tưởng, tình cảm, tâm hồn của mỗi con người Việt Nam.
      Tư tưởng Hồ Chí Minh về đại đoàn kết là sự vận dụng sáng tạo của chủ nghĩa Mác Lê nin vào thực tiễn Việt Nam. Theo quan điểm của chủ nghĩa Mác - Lê-nin,  cách mạng là sự nghiệp của quần chúng.  Đại đoàn kết toàn dân có nghĩa là phải tập hợp được tất cả mọi người dân vào một khối trong cuộc đấu tranh chung. Đại đoàn kết dân tộc không chỉ dừng lại ở quan niệm, tư tưởng mà phải trở thành một chiến lược cách mạng, trở thành sức mạnh vật chất, lực lượng vật chất có tổ chức và tổ chức đó chính là Mặt trận dân tộc thống nhất, dưới sự lãnh đạo của Đảng. Đó là tổ chức chính trị - xã hội rộng lớn của nhân dân Việt Nam, nơi quy tụ, đoàn kết, tập hợp đông đảo các giai cấp, tầng lớp, dân tộc, tôn giáo, đảng phái, các tổ chức, cá nhân yêu nước ở trong và ngoài nước cùng nhau phấn đấu vì mục tiêu chung là hòa bình, độc lập dân tộc, thống nhất Tổ quốc, vì tự do, hạnh phúc của nhân dân.
       Trong tư tưởng Hồ Chí Minh, đại đoàn kết dân tộc là vấn đề có ý nghĩa chiến lược quyết định thành công của Cách mạng. Tư tưởng ấy còn được nhấn mạnh trong nhiều câu nói bất hủ của Bác như : “Nước Việt Nam là một. Dân tộc Việt Nam là một. Sông có thể cạn, núi có thể mòn, song chân lý ấy không bao giờ thay đổi”. Với tinh thần đoàn kết quật cường đó, nhân dân ta đã đi đến thắng lợi cuối cùng, đánh thắng thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, đi đến ngày  độc lập tự do và toàn vẹn lãnh thổ.
      Tại đại hội đại biểu Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (MTTQVN) lần thứ 2 ngày 25-4-1961, đến dự và phát biểu với Đại hội, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhắc lại câu nói của Người từ 10 năm trước. Đó là tại Đại hội thống nhất Việt Minh - Liên Việt họp từ ngày 3 đến 7-3-1951 tại Việt Bắc, thống nhất hai tổ chức Việt Nam độc lập đồng minh (Việt Minh) và Hội liên hiệp quốc dân Việt Nam (Liên Việt) thành Mặt trận Liên- Việt nhằm củng cố và mở rộng khối đại đoàn kết toàn dân, đáp ứng yêu cầu mới của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp đang bước vào thời kỳ quyết liệt, Hồ Chủ tịch nhấn mạnh:
“Đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết
Thành công, thành công, đại thành công”.
       Sự nghiệp đổi mới ngày nay đã đặt ra yêu cầu mới cho MTTQVN, cùng với cuộc vận động"Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư", sự ra đời của "Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc" là một trong những đổi mới phương thức hoạt động, tập hợp đông đảo các tầng lớp nhân dân, xây dựng và củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc, phát huy sức mạnh nội lực, thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Tuy nhiên, trong quá trình củng cố và mở rộng về tổ chức và hoạt động của MTTQVN, yêu cầu đạt ra là phải có sự vận dụng sáng tạo, linh hoạt, phù hợp với đặc điểm, điều kiện kinh tế - xã hội, phong tục tập quán của từng vùng, miền, từ điều kiện tự nhiên đến truyền thống văn hóa. Để thực hiện được điều đó, phải hướng công tác Mặt trận về cơ sở, về từng khu dân cư, từng gia đình…Đó là cơ sở cốt yếu để xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Sự ra đời của "Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc" cũng xuất phát từ yêu cầu thực tiễn đó. Để phát huy truyền thống Mặt trận Dân tộc thống nhất Việt Nam, năm 1986, Ban Chấp hành Trung ương Đảng (Khóa VI) đã quyết định lấy ngày 18/11/1930 để làm ngày Mặt trận thống nhất. Từ đó đến nay, hàng năm, đến ngày 18/11, Mặt trận các cấp đã đề ra chương trình, nội dung và các hình thức hoạt động phong phú, đa dạng nhằm ôn lại truyền thống lịch sử của Mặt trận dân tộc thống nhất Việt Nam, đồng thời tổng kết một năm thực hiện cuộc vận động Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống Văn hóa ở khu dân cư. Đến nay, việc tổ chức Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc ở khu dân cư đã trở thành sinh hoạt xã hội rộng rãi ở từng cộng đồng dân cư trong cả nước. 
      Tại Quảng Trị, nhiều năm qua, công tác tổ chức "Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc" được triển khai rộng rãi với nhiều hình thức tổ chức phong phú, sinh động,  thu hút được đông đảo bà con tham gia. Song song với hoạt động ngày hội như một cách lắng nghe ý kiến nhân dân, đối thoại giữa nhân dân với lãnh đạo cấp ủy, chính quyền và hệ thống chính trị cơ sở; phát huy vai trò làm chủ của nhân dân tham gia xây dựng Đảng, chính quyền, hoạt động “bữa cơm đại đoàn kết”  thắt chặt thêm tình làng nghĩa xóm, thực sự mang lại cảm hứng đoàn kết trong mọi tầng lớp nhân dân. Từ chỗ đó, các hoạt động sẻ chia, giúp đỡ được cộng đồng dân cư hưởng ứng tích cực.
      Một trong những trọng tâm công tác của MTTQ là hướng về người nghèo, vì vậy, tại ngày hội cũng là dịp để các địa phương  tập trung nguồn lực hỗ trợ, giúp đỡ người nghèo vươn lên, đồng thời đóng góp  xây dựng cơ sở vật chất làm cho khu dân cư đạt được những tiêu chí văn minh, sạch đẹp.
      Trong tháng 11 vừa qua, có thể bắt gặp hình ảnh của rất nhiều cán bộ chủ chốt của tỉnh ta về tận các thôn bản để chung vui “Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc” với nhân dân các bản làng, thôn xóm, khối phố…để chứng kiến hiệu quả của cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư”.
      Thôn Klu, một bản làng Vân Kiều của xã Đakrông, huyện Đakrông từ nhiều năm nay như là một điển hình cho việc thực hiện công tác  đại đoàn kết. Từ một bản nghèo, nhờ sự chỉ đạo của cấp ủy chính quyền và công tác vận động của Mặt trận Tổ quốc, ngày nay Klu đã là một điểm du lịch công đồng được ưa chuộng và thu hút nhiều du khách. Trong dịp ngày hội đại đoàn kết vừa qua, Klu đã được vinh dự đón Trưởng ban Nội chính Trung ương Phan Đình Trạc đến dự “Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc” cùng đồng bào thôn bản . Sự đổi mới của bản nghèo bên Quốc lộ 9 , cạnh cây cầu treo mang tên xã nhà là hiện thực sinh động của cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư” và “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh” ở Quảng Trị.
      Từ một thôn bản nghèo với 75% dân số là bà con dân tộc Vân Kiều, nay Klu nhờ thực hiện du lịch cộng đồng, trở thành một điểm nhấn của du lịch Quảng Trị. Trong những năm qua, được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng, chính quyền các cấp, thôn Klu đã thực hiện tốt các cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư”; “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”, góp phần tích cực trong việc thực hiện các phong trào thi đua yêu nước.
    Đặc biệt từ tài nguyên suối nước nóng, nhiều năm bị lãng quên, ngày nay nhờ phát huy sự đoàn kết, các hộ dân, các tổ chức thanh niên, phụ nữ đã chung tay phát triển mô hình du lịch cộng đồng, suối khoáng  Klu được phát huy tiềm năng du lịch, từng bước phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo. Từ khi đưa vào khai thác chính thức từ tháng 6/2018, đến nay địa điểm này đã thu hút gần 20.000 lượt khách, doanh thu đạt trên 1 tỉ đồng. Hưởng ứng các cuộc vận động, phong trào thi đua do Đảng, Nhà nước, MTTQVN phát động, thôn Klu đã có nhiều cách làm sáng tạo; nhiều mô hình được xây dựng có hiệu quả; phát huy được tiềm năng, sức sáng tạo.Thông qua các cuộc vận động, phong trào thi đua yêu nước đã xuất hiện ngày càng nhiều tập thể, hộ gia đình, cá nhân tích cực hưởng ứng. Phấn đấu năm 2019, 100% gia đình đạt gia đình văn hóa, duy trì thôn văn hóa xuất sắc cấp tỉnh.      
     Từ thực tiễn của thôn Klu có thể thấy hiệu quả cụ thể  của tinh thần đoàn kết trong các cuộc vận động.  Phát biểu tại ngày hội, Trưởng Ban Nội chính Trung ương Phan Đình Trạc bày tỏ sự vui mừng vì nhân dân thôn Klu đã xây dựng được khu dân cư đoàn kết, tổ chức nhiều hoạt động thiết thực, vui tươi, lành mạnh. Đồng thời mong muốn bà con tiếp tục đoàn kết, nỗ lực chung sức để xây dựng khu dân cư ngày càng giàu mạnh, khởi sắc hơn. Mặc dù thu nhập của người dân chưa cao nhưng thôn không có người vi phạm pháp luật, không có trẻ em bỏ học, không có tội phạm ma túy, là thôn văn hóa xuất sắc của tỉnh là điều rất đáng biểu dương, ghi nhận.
      Từ hoạt động của Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc được diễn ra trên địa bàn Quảng Trị trong thời gian qua, có thể thấy được thành công của việc biến ngày hội thành sức mạnh vật chất, tạo ra động lực gắn bó trong cộng đồng dân cư, tinh thần đoàn kết được nhân lên. Có thể khẳng định, tư tưởng “Đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết/ Thành công, thành công, đại thành công” của Hồ Chủ tịch ở tầm vĩ mô là sức mạnh của toàn dân tộc, nhưng cụ thể trong mỗi bản làng, thôn xóm..lại được hiện thực hóa bằng cuộc sống ấm no, hạnh phúc và bình an. Và “Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc” ở khu dân cư, rõ ràng đã góp phần tạo nên luồng sinh khí mới, tạo hứng khởi để khối đoàn kết ấy biến thành năng lượng tích cực, thúc đẩy toàn dân xây dựng và kiến tạo một xứ sở “nước mạnh- dân giàu- xã hội dân chủ, công bằng văn minh” như di nguyện của Người !
     Từ thực tiễn tổ chức Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc trong thời gian qua, thiết nghĩ, trong những  năm tiếp theo cần chú trọng hơn nữa về thực chất, biến ngày hội thành một hoạt động có ý nghĩa, xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân vừa là mục tiêu vừa là động lực cho công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.
                           

 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây