Nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về thực hiện chính sách dân tộc trên địa bàn huyện Gio Linh

Thứ hai - 19/06/2017 23:06
Hoàng Thị Thu
GV Khoa LLM-LN, TT HCM

Quản lý nhà nước về thực hiện chính sách dân tộc là một trong những nội dung quan trọng của quản lý và phân cấp quản lý nhà nước về công tác dân tộc. Làm sao để thực hiện chính sách đáp ứng yêu cầu mục tiêu, nội dung đề ra trong lĩnh vực công tác dân tộc nếu không nói đến vai trò tiên quyết của hoạt động quản lý nhà nước. Nhằm phát huy những thành tựu mà cán bộ và nhân dân huyện Gio Linh đã đạt được, tôi xin tập trung phân tích, đánh giá một số nội dung cơ bản trong công tác quản lý nhà nước về thực hiện chính sách dân tộc trong thời gian qua, qua đó đề xuất một số giải pháp nhằm góp phần nâng cao hơn nữa hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước trong thực hiện chính sách dân tộc.
Gio Linh là một huyện thuần nông của tỉnh Quảng Trị, nằm ở bờ Nam sông Bến Hải - con sông lịch sử đã trở thành huyền thoại trong trái tim của nhân dân cả nước và bạn bè năm châu. Đến nay, toàn huyện có 19 xã, 02 thị trấn, trong đó có 02 xã miền núi là Linh Thượng và Vĩnh Trường với 2.700 nhân khẩu, chủ yếu là đồng bào dân tộc Vân Kiều sinh sống. Từ khi tái lập huyện đến nay, vấn đề công tác dân tộc và thực hiện chính sách dân tộc luôn được Huyện ủy, Ủy ban nhân dân (UBND), Ủy ban Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể trong huyện đặc biệt quan tâm, xem đây là vấn đề có ý nghĩa then chốt trong việc xác định nguyên tắc cũng như chính sách của Đảng về vấn đề dân tộc.
Những năm qua, Huyện ủy, UBND huyện đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo các cấp ủy Đảng, chính quyền thực hiện tốt các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước đối với công tác dân tộc, tạo thuận lợi cho đồng bào dân tộc yên tâm làm ăn sinh sống, tình hình kinh tế - xã hội của vùng đồng bào dân tộc thiểu số ổn định, tham gia tích cực vào các phong trào, hoạt động xã hội, thực hiện tốt nếp sống văn minh ở khu dân cư, tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững… tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, xây dựng địa phương, nhất là trong quá trình xây dựng nông thôn mới.
Nhận thức được ví trí, tầm quan trọng của công tác dân tộc, lãnh đạo huyện tập trung đẩy mạnh tuyên truyền, quán triệt thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về công tác dân tộc một cách sâu rộng trong toàn thể đội ngũ cán bộ, đảng viên và nhân dân, nhất là những cán bộ, đảng viên trực tiếp phụ trách công tác dân tộc. Trong đó đặc biệt đặc biệt nhấn mạnh việc tổ chức tuyên truyền, phổ biến, thực hiện Nghị định số 05/2011/NĐ-CP của Chính phủ “Về công tác dân tộc” và Thông tư liên tịch số 01/2012/TTLT-BTP-UBDT ngày 17/01/2012 của Bộ Tư pháp và Ủy ban dân tộc “Về hướng dẫn, trợ giúp pháp lý đối với người dân tộc thiểu số”.  Qua đó, tạo sự chuyển biến về nhận thức và thống nhất hành động của hệ thống chính trị và quần chúng nhân dân về vấn đề dân tộc và công tác thực hiện chính sách dân tộc, xác định nhiệm vụ trọng tâm “Công tác dân tộc và thực hiện chính sách dân tộc là công tác vận động quần chúng”. 
Cụ thể hóa các quan điểm của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về công tác dân tộc, chỉ tính riêng trong năm 2016, UBND huyện đã ban hành nhiều công văn chỉ đạo UBND xã Linh Thượng, Vĩnh Trường thực hiện các nhiệm vụ liên quan đến công tác dân tộc như: Công văn số 09/UBND-VX ngày 07/01/2016 “Về khảo sát nhu cầu đào tạo cán bộ người dân tộc thiểu số”; Công văn số 118/UBND-NC ngày 29/01/2016 “Về báo cáo tình hình vùng dân tộc thiểu số Tết Nguyên đán Bính Thân năm 2016”; Công văn số 703/UBND-VX ngày 04/7/2016 “Về việc cấp thẻ BHYT cho người dân tộc ở vùng khó khăn và bãi ngang ven biển, hải đảo”; Công văn số 734/UBND-VX ngày 01/7/2016 “Về việc báo cáo thực trạng đất sản xuất, quy hoạch quỹ đất sản xuất đồng bào dân tộc thiểu số”; Công văn số 956/UBND-NC ngày 08/9/2016 “Về việc báo cáo số liệu phục vụ công tác dân tộc”; Công văn số 968/UBND-NC ngày 15/9/2016 “Về cung cấp thông tin, số liệu phục vụ công tác dân tộc”; ban hành Kế hoạch số 300/KH-UBND ngày 28/3/2016 “Về triển khai Đề án giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số giai đoạn 2015 - 2020”. Với sự nỗ lực và quyết tâm cao của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân trong huyện, công tác quản lý nhà nước về thực hiện chính sách dân tộc được củng cố, tăng cường với hiệu lực, hiệu quả quản lý tăng lên và đạt được những kết quả đáng ghi nhận.
- Kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội vùng dân tộc đã được cải thiện rõ rệt, bộ mặt nông thôn vùng dân tộc ngày càng khởi sắc, sản xuất trên địa bàn 2 xã Vĩnh Trường, Linh Thượng đã có bước phát triển theo hướng sản xuất hàng hóa, bắt đầu hình thành các vùng chuyên canh, trang trại sản xuất hàng hóa tập trung. Đồng bào đã tích cực tiếp thu, áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất nhằm thâm canh, tăng vụ và chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, góp phần nâng cao năng suất và sản lượng. Đời sống vật chất và tinh thần của đồng bào được nâng cao, tỷ lệ hộ nghèo giảm rõ rệt (chỉ tiêu giảm tỷ lệ hộ nghèo đều đạt và vượt bình quân khoảng 3% - 4%/năm). 
- UBND huyện đã chủ động rà soát các chính sách, chương trình, dự án được đầu tư, đồng thời phối hợp với hệ thống chính chính trị cơ sở khảo sát thực trạng đời sống của đồng bào dân tộc, đánh giá chất lượng, hiệu quả của từng dự án đã đầu tư. Qua chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững (Chương trình 135) đã phân bổ 2.460 triệu đồng tập trung chủ yếu cho xây dựng cơ sở hạ tầng, hỗ trợ sản xuất 540 triệu đồng cho 2 xã. Chương trình xây dựng nông thôn mới cũng được triển khai thực hiện đồng bộ trên địa bàn 2 xã đồng bào dân tộc, trong đó, tỉnh đã phân bổ 2.800 triệu đồng cho xây dựng cơ sở hạ tầng (xã Vĩnh Trường đã đầu tư xây dựng 02 nhà sinh hoạt cộng đồng với kinh phí 200 triệu đồng, xây dựng đường giao thông nông thôn với tổng chiều dài 500m, kinh phí 700 triệu đồng). Nhờ đó, cơ sở hạ tầng kỹ thuật phục vụ phát triển sản xuất và dân sinh được cải thiện đáng kể, mức sống vật chất, tinh thần của người dân ngày càng được nâng cao.
- Nhiều giá trị văn hóa của đồng bào dân tộc Vân Kiều được quan tâm, bảo tồn và phát huy, như khôi phục các lễ hội truyền thống, tổ chức Ngày hội văn hóa - nghệ thuật, thể thao ở địa bàn, tổ chức các hoạt động vui chơi chào mừng các ngày lễ lớn… Mạng lưới thông tin, văn hóa, thể thao nông thôn có sự phát triển nhanh, góp phần cải thiện đời sống vật chất và tinh thần của đồng bào. Đến nay cả 2 xã đều đã có hệ thống loa truyền thanh đến thôn, có nhà văn hóa xã và sân thể thao. Bên cạnh đó, việc nghiêm túc triển khai thực hiện “Đề án giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số giai đoạn 2015 – 2020”, việc loại bỏ những phong tục tập quán lạc hậu nói chung và tục tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống nói riêng đạt được kết quả cao.
- Thực hiện Quyết định số 18/2011/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ “Về chính sách đối với người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số”, trong năm 2015, UBND huyện đã chỉ đạo, phối hợp với UBND 2 xã Linh Thượng và Vĩnh Trường tổ chức bầu chọn được 10 người có uy tín tại các thôn, bản, đồng thời thực hiện tốt các chính sách theo quy định, động viên các già làng, người có uy tín phát huy tốt vai trò trong cộng đồng dân tộc thiểu số, góp phần quan trọng trong việc thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, đặc biệt là đảm bảo an ninh nông thôn.
- Triển khai thực hiện Thông tư liên tịch số 01/2012/TTLT-BTP-UBDT ngày 17/01/2012 của Bộ Tư pháp và Ủy ban dân tộc “Về hướng dẫn, trợ giúp pháp lý đối với người dân tộc thiểu số”, trên địa bàn đã có hàng trăm lượt người dân tham dự được tư vấn, giải đáp và hướng dẫn cách giải quyết các vướng mắc pháp luật cụ thể, được nghe về các nội dung pháp luật ở các lĩnh vực liên quan như đất đai, chế độ chính sách… do đó hiểu biết pháp luật của người dân được nâng cao, họ có điều kiện lựa chọn cách ứng xử phù hợp với pháp luật, chấp hành pháp luật, thực hiện quyền và nghĩa vụ của công dân theo quy định của pháp luật.
- Thực hiện Công văn số 307/UBND-VX ngày 04/7/2016 “Về việc cấp thẻ bảo hiểm y tế cho người dân tộc vùng khó khăn và bãi ngang ven biển, hải đảo”, tính đến thời điểm hiện nay đồng bào dân tộc ở 2 xã Vĩnh Trường, Linh Thượng đã được cấp phát thẻ bảo hiểm đạt 100%. 
- UBND huyện cũng đã chỉ đạo các xã xây dựng, kiện toàn bộ máy, đội ngũ làm công tác quản lý nhà nước về dân tộc cơ bản đáp ứng được yêu cầu. Công tác tập huấn cho đội ngũ cán bộ làm công tác dân tộc từ huyện đến cơ sở được chú trọng, quan tâm. Do điều kiện đặc thù, cán bộ phụ trách công tác dân tộc hoạt động kiêm nhiệm, luân chuyển nhiều trong khi công tác quản lý nhà nước về dân tộc lại cần chuyên môn sâu, nên hàng năm huyện đều có kế hoạch cử cán bộ tham gia các lớp tập huấn về công tác dân tộc do tỉnh tổ chức nhằm đảm bảo về mặt nhận thức và kỹ năng, nghiệp vụ quản lý tôn giáo và kỹ năng vận động đồng dào dân tộc nâng cao ý thức tuân thủ các quy định của pháp luật, không vi phạm pháp luật.
- Công tác kiểm tra, thanh tra, sơ kết, tổng kết, đánh giá việc thực hiện chính sách, chương trình, dự án ở vùng dân tộc được Huyện ủy, UBND huyện tập trung chỉ đạo thực hiện. Công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo, quản lý xây dựng, sản xuất, kiểm tra, xử lý vi phạm được triển khai thường xuyên. Bên cạnh đó, MTTQ huyện, các đoàn thể trên địa bàn 2 xã Vĩnh Trường, Linh Thượng cũng thường xuyên vận động người dân nói chung và đồng bào dân tộc nói riêng thực hiện có hiệu quả cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư”, “Toàn dân chung sức xây dựng nông thôn mới”. 
Đặc biệt, năm 2015 huyện đã tổ chức thành công Hội nghị Tổng kết đánh giá tình hình thực hiện các chính sách dân tộc giai đoạn 2011 - 1015 trên địa bàn huyện. Qua đó, tập trung đánh giá những mặt làm được, chưa làm được trong thực hiện các chính sách dân tộc thời gian qua, đồng thời đề xuất, kiến nghị UBND tỉnh cần có các giải pháp khắc phục những mặt còn hạn chế để triển khai các chính sách dân tộc giai đoạn tới đạt kết quả cao hơn.
Việc triển khai thực hiện chính sách dân tộc một cách đồng bộ, đúng địa chỉ, đúng đối tượng đã góp phần vào kết quả thực hiện thắng lợi các chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội trong giai đoạn 2011 - 2015. Tuy nhiên, bên cạnh kết quả đạt được, việc thực hiện chính sách dân tộc vẫn còn nhiều khó khăn như: Công tác tuyên truyền, giáo dục chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về công tác dân tộc đạt hiệu quả chưa cao. Một bộ phận đồng bào dân tộc còn thiếu hiểu biết pháp luật, chính sách dân tộc, còn nặng tư tưởng trông chờ, ỷ lại, chưa chủ động nâng cao ý thức tự lực, tự cường vươn lên trong cuộc sống. Giữa các xã trên địa bàn huyện chưa có nhiều hình thức kết nghĩa, giúp nhau phát triển kinh tế - xã hội, giảm nghèo, tháo gỡ khó khăn. Công tác quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, sử dụng, quản lý cán bộ là người dân tộc thiểu số còn chưa đáp ứng yêu cầu trong thời kỳ mới. 
Từ thực tế đó có thể xác định nhiệm vụ trọng tâm của công tác quản lý nhà nước về thực hiện chính sách dân tộc trên địa bàn huyện Gio Linh thời gian tới cần tập trung một số nội dung sau:
Trước hết, tập trung nâng cao năng lực lãnh đạo của Đảng, hiệu lực và hiệu quả quản lý nhà nước đối với công tác dân tộc, xem việc thực hiện tốt các chính sách dân tộc của Đảng là nhiệm vụ thường xuyên và quan trọng của các cấp ủy Đảng, tổ chức Đảng. Đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục, vận động và tổ chức đồng bào tích cực, chủ động tham gia thực hiện chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước. Phát huy dân chủ ở cơ sở theo phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra”. Tích cực, chủ động xây dựng, củng cố khối đại đoàn kết dân tộc. Động viên đồng bào các dân tộc phát huy nội lực, ý chí tự lực tự cường, nỗ lực vươn lên thoát nghèo, nhanh chóng hội nhập với sự phát triển chung của đất nước.
Hai là, quy hoạch, bồi dưỡng, đào tạo và phát triển nguồn nhân lực vùng dân tộc. Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực là yếu tố quyết định sự phát triển bền vững của vùng dân tộc và miền núi; vì vật, cần quan tâm đến chất lượng giáo dục miền núi, vùng dân tộc thông qua việc đầu tư mở rộng, nâng cấp trường phổ thông bán trú dân nuôi tại các xã; trường phổ thông dân tộc nội trú huyện. Đưa chương trình dạy nghề vào các trường dân tộc nội trú; tiếp tục thực hiện tốt chính sách ưu tiên, chính sách cử tuyển cho con em các dân tộc thiểu số vào các trường đại học, cao đẳng. Có chính sách phù hợp trong đào tạo, bồi dưỡng, sử dụng cán bộ là người dân tộc thiểu số tại chỗ sau khi tốt nghiệp các trường.
Ba là, chú trọng công tác đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ làm công tác dân tộc, thực hiện chính sách dân tộc. Các phòng, ban và các cấp ủy, chính quyền địa phương phải xây dựng quy hoạch, kế hoạch dài hạn và hàng năm để đào tạo, bồi dưỡng cán bộ người dân tộc thiểu số về trình độ học vấn, lý luận chính trị và chuyên môn nghiệp vụ; đồng thời có chính sách khuyến khích thu hút số trí thức trẻ mới ra trường về công tác ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
Bốn là, các cấp ủy Đảng, chính quyền, các tổ chức đoàn thể cần tiếp tục chỉ đạo thực hiện tốt Nghị định 05/2011/NĐ-CP của Chính phủ “Về công tác dân tộc” và đặc biệt là Quyết định 18/2011/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ “Về chính sách đối với người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số”. Hàng năm, các cơ quan, ban ngành đoàn thể, UBND xã tham mưu UBND huyện tổ chức rà soát, đánh giá đưa ra khỏi danh sách người có uy tín (đối với những trường hợp người có uy tín đã qua đời, chuyển đi nơi khác…) đồng thời chỉ đạo, hướng dẫn UBND các xã tổ chức họp thôn bình xét công nhận bổ sung người có uy tín của năm gửi Ban Dân tộc tỉnh trình UBND tỉnh phê duyệt. Tổ chức tặng quà Tết Nguyên đán, thăm hỏi người có uy tín ốm đau, từ trần; tổ chức hội nghị gặp mặt người có uy tín hàng năm; lựa chọn người có uy tín đi dự hội nghị cấp tỉnh, Trung ương; khen thưởng và đề nghị cấp trên khen thưởng cho người có uy tín tiêu biểu ... kịp thời động viên tinh thần và phát huy vai trò, trách nhiệm của người có uy tín trong cộng đồng.
Năm là, đưa các tiến bộ khoa học kỹ thuật ứng dụng vào sản xuất và đời sống, tạo điều kiện phát triển kinh tế - xã hội ở các xã, thôn, bản trong vùng; tạo sự chuyển biến nhanh về sản xuất, thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông - lâm nghiệp theo hướng sản xuất hàng hoá gắn với thị trường; sản xuất, cung ứng cây con giống có năng suất cao, chất lượng tốt, đáp ứng yêu cầu về sản xuất nông nghiệp hàng hoá; xây dựng các mô hình sản xuất hàng hoá phù hợp với điều kiện thực tế của vùng.
Có thể nói vấn đề dân tộc, công tác dân tộc có vai trò và vị trí đặc biệt quan trọng đối với toàn bộ sự nghiệp cách mạng của Đảng và nhân dân. Thực hiện tốt chính sách dân tộc chính là tạo thêm cơ sở, tiền đề, động lực để nhằm ổn định và phát triển bền vững huyện nhà trong tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Chúng ta tin tưởng rằng, với sự quan tâm của cấp ủy Đảng, sự phối hợp của chính quyền và các đoàn thể, công tác quản lý nhà nước về dân tộc trên địa bàn huyện Gio Linh trong thời gian tới sẽ đạt được nhiều kết quả tốt đẹp hơn./.

Tổng số điểm của bài viết là: 1 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 1 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây