Mãi tự hào về Quân đội nhân dân Việt Nam - Quân đội từ nhân dân mà ra, vì nhân dân mà chiến đấu

Thứ hai - 23/12/2019 10:43
 
Trần Hoàng
Cựu chiến binh Trường Chính trị Lê Duẩn
 
          Năm 1930, Đảng cộng sản Việt Nam ra đời là bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam, chấm dứt thời kỳ khủng hoảng về đường lối cứu nước. Trong Chính cương vắn tắt được thông qua tại Hội nghị thành lập Đảng, Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đề cập tới việc tổ chức ra "Quân đội công nông".
          Trước sự chuyển biến của tình hình thế giới, từ năm 1939 cách mạng Việt Nam đã có sự chuyển hướng chiến lược. Chủ trương của Đảng trong ba Hội nghị Trung ương 6 (11/1939), Hội nghị Trung ương 7 (11/1940) và Hội nghị Trung ương 8 (5/1941) là sự tiếp tục phát triển chiến lược cách mạng của Đảng ta trong  thời kỳ mới; chuyển hướng chỉ đạo chiến lược, đặt nhiệm vụ trọng tâm đánh đổ đế quốc và tay sai phản động, giải phóng dân tộc; tích cực chuẩn bị khởi nghĩa vũ trang giành chính quyền. Phong trào đánh Pháp, đuổi Nhật phát triển mạnh mẽ, rộng khắp ở cả thành thị và nông thôn; cả rừng núi, trung du và đồng bằng. Trước sự phát triển mạnh mẽ và sự trưởng thành nhanh chóng của các tổ chức vũ trang đòi hỏi cách mạng Việt Nam lúc này phải có một Quân đội chủ lực.
      Trước yêu cầu đó, được sự chỉ đạo của Trung ương Đảng và Bác Hồ, 17 giờ ngày 22/12/1944 tại khu rừng giữa hai tổng Hoàng Hoa Thám và Trần Hưng Đạo thuộc Châu Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng (nay là xã Tam Kim, huyện Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng) trước sự chứng kiến của đại biểu Liên Tỉnh ủy Cao - Bắc - Lạng và đồng bào các dân tộc ở địa phương, đồng chí Võ Nguyên Giáp đã long trọng tuyên bố thành lập đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân. Ban đầu Đội gồm có 34 chiến sỹ do đồng chí Hoàng Sâm làm đội trưởng, đồng chí Xích Thắng (Tức Dương Mạc Thạch) làm Chính trị viên, đồng chí Hoàng Văn Thái phụ trách kế hoạch - tình báo. Dưới lá cờ đỏ sao vàng, toàn Đội đã tuyên đọc Mười Lời thề danh dự  nói lên lòng trung thành vô hạn với Tổ quốc, với Đảng và nhân dân, tinh thần hy sinh chiến đấu đến giọt máu cuối cùng vì sự nghiệp cách mạng, kiên quyết chiến đấu tiêu diệt kẻ thù, hết lòng phục vụ nhân dân, tinh thần đoàn kết và ý thức tổ chức kỷ luật của Quân đội cách mạng.
Tháng 4 năm 1945, Hội nghị Quân sự cách mạng Bắc Kỳ của Đảng đã quyết định hợp nhất các tổ chức vũ trang trên cả nước thành lập Việt Nam Giải phóng quân(15/5/1945); cách mạng tháng Tám năm 1945 thành công, Việt Nam Giải phóng quân được đổi tên thành Vệ Quốc quân; năm 1946 là Quân đội Quốc gia Việt Nam và đến năm 1950 được đổi thành Quân đội nhân dân Việt Nam. Đúng như Bác đã khẳng định: "Tuy lúc đầu quy mô của nó còn nhỏ, nhưng tiền đồ của nó rất vẻ vang. Nó là khởi điểm của giải phóng quân, nó có thể đi từ Nam chí Bắc, khắp đất nước Việt Nam".
      Như vậy, Quân đội nhân dân Việt Nam được ra đời trên nền tảng của truyền thống yêu nước, ý chí quật cường, bất khuất của dân tộc, được Đảng Cộng sản  Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh sáng lập, lãnh đạo, giáo dục và rèn luyện; sự chăm lo, đùm bọc, giúp đỡ của nhân dân, quân đội ta đã không ngừng trưởng thành và lớn mạnh, đã chiến đấu và chiến thắng mọi kẻ thù xâm lược, lập nên nhiều chiến công vang dội, tô thắm truyền thống anh hùng, bất khuất của dân tộc ta.
      Trước yêu cầu, nhiệm vụ mới của cách mạng, ngày 17/10/1989 Ban Bí thư Trung ương Đảng khóa VI đã quyết định lấy ngày thành lập Quân đội nhân dân  Việt Nam 22/12 hàng năm là ngày Hội Quốc phòng toàn dân. Đây là một sự kiện trọng đại, có ý nghĩa to lớn, đánh dấu bước phát triển mới của cách mạng Việt Nam, là điều kiện để toàn Đảng, toàn dân tích cực chăm lo sự nghiệp Quốc phòng toàn dân.
          Mỗi hội viên Hội Cựu chiến binh Việt Nam là những người lính “Bộ đội cụ Hồ” vinh dự được rèn luyện và trưởng thành từ môi trường Quân đội. Chúng ta tự hào về Quân đội của chúng ta, đó là mái trường cách mạng đã rèn luyện và hun đúc nên trong mỗi chúng ta tinh thần anh dũng, kiên cường, lòng trung thành vô hạn và ý chí quật cường, vượt qua khó khăn, gian khổ và với một tinh thần kỷ luật nghiêm minh dưới sự lãnh đạo của Đảng quang vinh. "Bộ đội Cụ Hồ" mãi mãi là hình ảnh cao đẹp, biểu tượng sáng ngời của chủ nghĩa anh hùng cách mạng, truyền thống, ý chí quật cường của dân tộc ta, là nét đẹp văn hóa đã góp phần làm rạng rỡ truyền thống vẻ vang của dân tộc Việt Nam Anh hùng; tô thắm thêm truyền thống vẻ vang của Quân đội nhân dân Việt Nam Anh hùng, xứng đáng với lời khen của Chủ tịch Hồ Chí Minh: "Quân đội ta Trung với Đảng, hiếu với dân, sẵn sàng chiến đấu hy sinh vì độc lập tự do của Tổ quốc, vì chủ nghĩa xã hội, nhiệm vụ nào cũng hoàn thành, khó khăn nào cũng vượt qua, kẻ thù nào cũng đánh thắng".
Chính truyền thống đó là mạch nguồn nuôi dưỡng và là động lực nâng bước chúng ta sau khi rời quân ngũ và trở về với cuộc sống đời thường. Với mỗi chúng ta, truyền thống và phẩm chất ấy mãi không ngừng được phát huy và bồi đắp để tiếp tục làm rạng rỡ truyền thống vẻ vang của Hội Cựu chiến binh Việt Nam. Giữ gìn và phát huy truyền thống đó như là tấm gương sáng để khi nói tới Hội Cựu chiến binh là nghĩ ngay đến những người lính “Bộ đội Cụ Hồ” đáng kính, mẫu mực về đạo đức, chuẩn mực trong hành vi ứng xử và lòng trung thành vô hạn với sự nghiệp cách mạng của nhân dân do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo; là nơi hội tụ và lan tỏa những giá trị tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh – Người Cha kính yêu của dân tộc, của quân đội. Để phát huy truyền thống đó, chúng ta phải không ngừng rèn luyện, nêu gương và luôn khắc sâu lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Một tấm gương sống có giá trị hơn cả trăm bài diễn văn tuyên truyền” và tiên phong trong “trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên”; trung thành với mục đích, lý tưởng cách mạng, tận tụy với đất nước; có ý thức trách nhiệm trong công việc; giữ gìn phẩm chất đạo đức trong sáng và vì lợi ích của nhân dân, hết lòng phụng sự tổ quốc, phục vụ nhân dân. … phải thực sự  là “cầu nối” tạo sức lan tỏa để nhân dân luôn tuyệt đối tin tưởng vào vai trò lãnh đạo của Đảng. Hình ảnh, thái độ, cung cách ứng xử, giao tiếp đó vừa thể hiện trình độ văn hóa của người lính “Bộ đội Cụ Hồ” vừa thể hiện bản chất của quân đội ta - một quân đội có tính tổ chức và kỷ luật nghiêm minh, từ nhân dân mà ra, vì nhân dân mà chiến đấu. Đó cũng là bản lĩnh kiên trung của người Cựu chiến binh và các thế lực thù địch hãy hiểu rằng người lính “Bộ đội Cụ Hồ” đã không quản ngại hy sinh và sẵn sàng đổ máu xương để vĩnh viễn chấm dứt đổ máu để một nước Việt Nam được hòa bình, thống nhất và độc lập thì cũng sẵn sàng đập tan những âm mưu gây chiến tranh vì “Chiến tranh không phải là trò đùa”
          Trong những năm qua, Chi hội Cựu Chiến binh Trường Chính trị Lê Duẩn luôn nhận được sự quan tâm, giúp đỡ và tạo điều kiện của Hội Cựu chiến binh tỉnh Quảng Trị, Hội Cựu chiến binh Tỉnh ủy, Hội Cựu chiến binh Văn phòng HĐND tỉnh Quảng Trị trong tham gia các hoạt động do Hội tổ chức. Chúng tôi nhận thức rằng đây là dịp để trao đổi kinh nghiệm về các hoạt động Hội và thông qua các hoạt động đó để thắt chặt thêm tinh thần đồng đội, động viên nhau cùng hoàn thành tốt nhiệm vụ của mỗi Hội viên. Chúng tôi xin ghi nhận và trân trọng cám ơn những tình cảm các đồng chí trong thường trực Hội Cựu chiến binh tỉnh Quảng Trị, Hội Cựu chiến binh Tỉnh ủy, Hội Cựu chiến binh Văn phòng HĐND tỉnh Quảng Trị đã dành cho Chi hội Cựu Chiến binh Trường Chính trị Lê Duẩn.
Ngoài các hoạt động cùng với các cấp Hội, hằng năm vào Ngày Thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam 22/12 Công đoàn Cơ sở Trường Chính trị Lê Duẩn đã thực hiện tốt nghĩa cử thăm hỏi, tặng quà động viên các cựu chiến binh và tháng 7 - Tháng tri ân, Chi hội cùng với Công đoàn tổ chức để các đoàn thể và con, em của gia đình chính sách của Nhà trường viếng các nghĩa trang liệt sỹ, các địa chỉ đỏ, di tích lịch sử cách mạng…Sau lễ viếng, Công đoàn tổ chức gặp mặt và tặng quà các thân nhân con, em gia đình chính sách. Đây là một hoạt động tri ân của Hội cần được duy trì và nhân diện rộng. Tuy nhiên, với Chi hội Cựu chiến binh Trường Chính trị Lê Duẩn, kinh nghiệm hoạt động Hội còn ít, số lượng hội viên không nhiều, chính vì vậy sự phối hợp trong tổ chức các hoạt động là phương thức để góp phần nâng cao chất lượng các hoạt động vì sự phát triển của Hội Cựu chiến  Việt Nam ngày càng vững mạnh/.
 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây