Lấy học viên làm trung tâm – Hành động thiết thực trong việc thực hiện Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh về gắn bó, phục vụ nhân dân ở Trường Chính trị

Thứ bảy - 05/12/2015 16:35

Trần Thiên Tú


Thực hiện Chỉ thị 03-CT/TW của Bộ Chính trị về “Tiếp tục đẩy mạnh việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” và Kế hoạch 03-KH/TW của Ban Bí thư khóa XI, các cơ quan, ban, ngành, các tổ chức đảng đã bám sát chủ đề, định hướng hàng năm để đề ra những kế hoạch thích hợp. Năm 2015, chủ đề là: “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh về trung thực, trách nhiệm; gắn bó với nhân dân; đoàn kết, xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh”. Trong đó, nội dung gắn bó, phục vụ nhân dân là nội dung xuyên suốt, được nhắc đi, nhắc lại ở tất cả các chuyên đề từ năm 2011 đến nay.

Trường Chính trị tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương là đơn vị sự nghiệp có nhiệm vụ đặc thù là: đào tạo, bồi dưỡng cán bộ cho địa phương, nghiên cứu khoa học; với đặc thù như thế, cho nên, nội dunggắn bó, phục vụ nhân dân cũng phải được hiểu theo nghĩa phù hợp.

Trước tiên, từ nhân dân ở đây được hiểu là đối tượng phục vụ, khách thể mà hoạt động chuyên môn của Nhà trường hướng tới – đó chính là học viên. Học viên của trường là cán bộ, công chức, viên chức các sở, ban, ngành, địa phương, cơ sở và cán bộ của nước bạn Lào theo học. Việc xác định đúng đối tượng sẽ là điều kiện để xác định nội dung, trọng tâm nhiệm vụ chính trị mà Nhà trường hướng tới.

Để gắn bó, phục vụ nhân dân như mong muốn của chủ tịch Hồ Chí Minh, thì cán bộ, giảng viên trường Chính trị phải biết thay đổi tư duy, cung cách phục vụ, lấy học viên làm trung tâm cho hoạt động chuyên môn của Nhà trường.

Học viên làm trung tâm: đề cập đến trường học là nói đến hai đối tượng chủ yếu, đó là: giảng viên và học viên. Trong giai đoạn hiện nay, khi thực tiễn đã có nhiều thay đổi, mối quan hệ giữa giảng viên và học viên không còn mang tính chất một chiều như trước đây, mà đó là mối quan hệ biện chứng, có giảng viên, có học viên, dạy tốt đi đôi với học tốt. Cho nên, kết quả của học viên phần nào đánh giá được năng lực giảng dạy và hiệu quả chuyên môn. Mục tiêu của giảng dạy tại trường chính trị là đào tạo, bồi dưỡng những cán bộ có đủ năng lực để phục vụ đất nước, phục vụ mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội. Nâng cao chất lượng giảng dạy cũng chỉ là phục vụ học viên, phục vụ sự nghiệp cách mạng. Lấy học viên làm trung tâm chính là cách mà nhà trường thực hiện cuộc vận động Học tập và làm theo lời Bác. Muốn chuyển học viên thành trung tâm, thì nhà trường phải đảm bảo thực hiện được những yêu cầu sau:

Một là, phải nắm được đặc điểm học viên, từ đó, giảng viên phải tự điều chỉnh, thay đổi nội dung, phương pháp cho phù hợp. Tất nhiên, bản thân học viên ở mỗi lớp đã là khác nhau, tuy nhiên, người dạy phải biết nắm bắt, tìm ra mẫu số chung để điều chỉnh. Rõ ràng, học viên ở các lớp tại chức khác lớp đào tạo tập trung, lớp học trong trường khác lớp ngoài trường, học viên Việt khác học viên Lào; ngoài ra, chưa kể các khác biệt về giới tính, dân tộc, lứa tuổi, … nhưng căn cứ trên những điểm chung lớn nhất, giảng viên phải cân đối nội dung, phương pháp, liên hệ cho phù hợp.

Hai là, trung thực, trách nhiệm với học viên.

Trung thực: là luôn tôn trọng sự thật, tôn trọng chân lí, lẽ phải, sống ngay thẳng, thật thà và dũng cảm nhận lỗi khi mắc khuyết điểm. Người trung thực là người thật thà, ngay thẳng chân thành trong cách đối xử với mọi người, luôn nhìn nhận khách quan về các sự việc trong cuộc sống, luôn tôn trọng và bảo vệ chân lí, bảo vệ lẽ phải. Những người thiếu trung thực, sớm muộn cũng bị phát hiện làm mất lòng tin của người khác. Người thiếu trung thực thì không thể duy trì mối quan hệ chặt chẽ, lâu dài với những người xung quanh. Muốn rèn luyện đức tính trung thực, người thầy phải loại trừ cho được thói ích kỷ, tham lam, lừa dối trong quan hệ xã hội. Mỗi người thầy phải là một tấm gương trong sáng, chân thật cho học viên noi theo.

Trung thực đi liền với trách nhiệm: mỗi người trong xã hội đều có những trách nhiệm, với những biểu hiện cụ thể nhất định. Người có cương vị càng lớn càng có trách nhiệm cao. Trách nhiệm của người giảng viên thể hiện trách nhiệm của mình đối với Đảng, với tổ chức, trách nhiệm với công việc, với giờ giảng trên lớp của mình. Đã trung thực thì không bao giờ từ bỏ trách nhiệm của mình. Trung thực và trách nhiệm góp phần để khắc phục những suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống trong xã hội ta hiện nay.

Ba là, hết lòng phục vụ học viên: Trách nhiệm gắn bó với nhân dân của cán bộ, đảng viên, là để phục vụ nhân dân, huy động sức mạnh trong nhân dân thực hiện các nhiệm vụ cách mạng. Trong môi trường trường chính trị tỉnh, cán bộ, giảng viên nhà trường phải phục vụ học viên. Phục vụ ở đây mang tính toàn diện, mỗi bộ phận chức năng trong nhà trường đều phải thực hiện, từ khối phục vụ giảng đường, nơi ăn, ở, đến khối phục vụ giáo trình, tài liệu… Người giảng viên cũng phải biết phục vụ học viên, biết đáp ứng yêu cầu chính đáng, hợp pháp của học viên, nắm được cái họ cần để cung cấp, biết bổ sung những cái còn thiếu, bỏ qua những kiến thức mà học viên đã biết. Làm đúng chức trách, nhiệm vụ của mình, đó chính là phục vụ.
Gần gũi, gắn bó với học viên, muốn hiểu rõ đối tượng học viên, không có cách nào tốt hơn là phải gần gũi với học viên và nếu gần gũi học viên sẽ tạo mối quan hệ gắn bó, nhằm thực hiện tốt nhiệm vụ. Mỗi một cán bộ, giảng viên trong nhà trường phải có tác phong gần gũi học viên, hiểu học viên, vì học viên; gương mẫu trong cuộc sống hàng ngày.

Muốn thực hiện được những vấn đề nêu trên, mỗi cán bộ, giảng viên nhà trường phải:

- Giữ vững lập trường chính trị vững vàng, tin tưởng vào đường lối cách mạng, phục tùng tuyệt đối Đảng. Với mỗi đảng viên “Bất kỳ khó khăn đến mức nào cũng kiên quyết làm đúng chính sách và nghị quyết của Đảng, làm gương cho quần chúng. Mọi đảng viên phải nâng cao tinh thần trách nhiệm trước Nhân dân, trước Đảng, phải kiên quyết chống lại chủ nghĩa cá nhân”. Từ đó, truyền bá niềm tin, lý tưởng của mình vào học viên; đấu tranh chống những luận điệu xuyên tạc, phản động của kẻ thù. “…Vô luận trong hoàn cảnh nào, người đảng viên cũng phải đặt lợi ích của Đảng lên trên hết. Nếu lợi ích của Đảng và lợi ích cá nhân mâu thuẫn với nhau, thì lợi ích cá nhân phải tuyệt đối phục tùng lợi ích Đảng”.

- Rèn luyện bản thân, thực hiện đạo đức cần kiệm, liêm chính, chí công, vô tư; lòng nhân ái, trong sáng; lối sống giản dị, hòa đồng, làm chủ bản thân và luôn hoàn thiện mình; Chống chủ nghĩa cá nhân, chủ nghĩa cơ hội, chống suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống trong một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên. Cán bộ của Đảng, Nhà nước “cần phải xung phong, gương mẫu trong sản xuất và trong công tác, hết lòng hết sức phục vụ nhân dân, luôn luôn trau dồi đạo đức cách mạng, cần kiệm, liêm chính”. Mỗi cán bộ, giảng viên nhà trường phải là tấm gương trong sáng về đạo đức, đi đầu trong thực hiện lời dạy của Bác.

- Cán bộ, giảng viên phải gắn bó với học viên, hết lòng vì học viên, có như thế thì ở đâu, khi nào cũng được học viên kính trọng, tôn vinh. Gắn bó với học viên để phát huy những sáng kiến, kinh nghiệm thực tiễn của học viên, huy động các nguồn lực phát triển nhà trường. 

Cụ thể hóa các nội dung của các chuyên đề Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh vào thực tiễn công tác đó chính là một cách biến chủ trương thành hành động, chuyển lý luận thành thực tiễn; góp phần thực hiện thành công cuộc vận động lớn trong toàn đảng, toàn dân của Đảng ta hiện nay.

Tổng số điểm của bài viết là: 10 trong 2 đánh giá

Xếp hạng: 5 - 2 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây