Kết quả thực hiện Bộ Quy chế của Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh ở Trường Chính trị Lê Duẩn tỉnh Quảng Trị

Thứ tư - 27/06/2018 14:36
 
                                                                       ThS.Ngô Thị Thu Hà
                                                                                          Phó Hiệu trưởng
 
          Đào tạo Trung cấp lý luận chính trị - hành chính là một trong những chức năng quan trọng của trường chính trị tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Để có cơ sở chỉ đạo và quản lý, ngày 21/4/2016, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia đã ban hành Bộ Quy chế quản lý đào tạo của các trường chính trị tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương kèm theo Quyết định số 1855/QĐ-HVCTQG (gọi tắt là Bộ Quy chế 1855). Bộ quy chế này gồm 10 quy chế, quy định cụ thể các vấn đề trong quá trình đào tạo Chương trình Trung cấp lý luận chính trị- hành chính ở các trường chính trị tỉnh, thành phố. Bộ quy chế được áp dụng từ ngày 01/8/2016 ở tất các các trường chính trị tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
          Ngay từ tháng 7/2016 trước khi đưa Bộ Quy chế vào thực hiện, Ban Giám hiệu Trường Chính trị Lê Duẩn đã chủ động gửi giấy mời các cơ quan liên quan: Ban Tổ chức Tỉnh uỷ, Ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ, Sở Nội vụ, Sở Tài chính, Sở Ngoại vụ họp nhằm giúp các cơ quan này nắm vững về Bộ Quy chế 1855, đồng thời thống nhất trong quá trình phối hợp đào tạo Chương trình Trung cấp lý luận chính trị- hành chính. Mặt khác,  Đảng uỷ, Ban Giám hiệu đã quán triệt nhận thức đến tất cả giảng viên, viên chức của Nhà trường về nội dung của Bộ Quy chế và  nhấn mạnh áp dụng chứ không vận dụng trong quá trình thực hiện. Đồng thời căn cứ chức năng, nhiệm vụ và vị trí công tác để nghiên cứu kỹ từng quy chế. Cụ thể,  Phòng Đào tạo nghiên cứu về Quy chế Tuyển sinh, Quy chế Học viên, Quy chế Chủ nhiệm lớp, Quy chế Đánh giá và quản lý kết quả học tập của học viên, Quy chế Quản lý bằng tốt nghiệp. Khối giảng viên nghiên cứu Quy chế Giảng viên, Quy chế Giảng viên kiêm nhiệm, giảng viên thỉnh giảng, Quy chế Hoạt động nghiên cứu khoa học, Quy chế Thao giảng, dự giờ; Ban Thanh tra giáo dục nghiên cứu Quy chế Hoạt động thanh tra giáo dục.
          Từ ngày 1/8/2016, Trường Chính trị Lê Duẩn đã đưa Bộ Quy chế 1855 vào thực hiện. Quá trình triển khai Bộ Quy chế đã đạt được những kết quả sau:
          Thứ nhất, về công tác tuyển  sinh và quản lý học viên.
          Căn cứ Thông báo mở lớp của Ban Thường vụ Tỉnh uỷ, Phòng Đào tạo đã tham mưu cho Ban Giám hiệu về công tác tuyển sinh nên công tác này được thực hiện nghiêm túc, đảm bảo đúng đối tượng dự tuyển, điều kiện dự tuyển, hồ sơ, quy trình xét tuyển, tiêu chuẩn cũng như về thời gian từ lúc thông báo tuyển sinh, kết quả tuyển sinh đến thông báo nhập học đối với học viên. Theo quy định của Bộ Quy chế 1855, Nhà trường đã chủ động trong tuyển sinh các lớp về số lượng (lớp đào tạo tập trung có không quá 50 học viên/lớp, lớp không tập trung có  không quá 70/học viên/lớp). Quy định như vậy đã giúp cho việc quản lý học viên chặt chẽ và phù hợp hơn. Trách nhiệm quản lý học viên được tăng cường và có sự phối hợp chặt chẽ giữa các khoa phòng, trong đó trách nhiệm chính thuộc về Phòng Đào tạo, chủ nhiệm và ban cán sự. Đối với các lớp liên kết, Nhà trường mời cán bộ ở trung tâm bồi dưỡng chính trị huyện làm đồng chủ nhiệm, phối hợp cùng quản lý học viên theo quy chế.
          Thứ hai, về công tác đánh giá và quản lý kết quả học tập, quản lý bằng tốt nghiệp.
          Trong Chương trình Trung cấp lý luận chính trị, có 10 môn thi và 01 bài thu hoạch thực tế cũng được xem như một điểm thi khi tính vào kết quả học tập cuối khoá. Chính vì vậy, quá trình ra đề thi các môn được thực hiện nền nếp, đúng quy chế và đã có cải tiến trong việc tổ chức và cách thức ra đề thi. Nhà trường đã thực hiện nhiều hình thức thi khác nhau phù hợp với các loại hình và phương thức đào tạo. Đối với lớp TCLLCT-HC cho Bạn Lào thì hình thức tổ chức thi vấn đáp thông qua phiên dịch; các lớp TCLLCT-HC mở tại trường thì mỗi khoa được chọn 01 môn thi vấn đáp (với điều kiện đủ 04 giảng viên giảng bộ môn đó), các môn còn lại tiến hành thi viết theo hướng đảm bảo nội dung cơ bản của chương trình đồng thời vận dụng kiến thức vào hoạt động thực tiễn ở địa phương, đơn vị nơi học viên công tác. Như vậy, với việc thực hiện nhiều hình thức tổ chức thi khác nhau nhằm tránh tình trạng quay cóp tài liệu trong quá trình làm bài, đồng thời giúp giảng viên có thể đánh giá đúng kết quả học tập của học viên. Thi tốt nghiệp nghiêm túc đúng quy chế, chấm bài tập trung, đảm bảo tính khách quan, công bằng. Việc hướng dẫn khoá luận tốt nghiệp đúng quy định về thể thức, nội dung và đúng tỷ lệ học viên theo quy định. Nhiều học viên đã đầu tư  thời gian và công sức trong nghiên cứu, viết khoá luận nên nhiều khoá luận số liệu phong phú, luận điểm luận chứng khoa học chặt chẽ và giảng viên có thể tham khảo vận dụng vào giảng dạy.
          Thứ ba, về Quy chế Giảng viên.
          Đội ngũ giảng viên có đầy đủ các tiêu chuẩn theo quy định. Giảng viên phải có lập trường giai cấp vững vàng, phẩm chất chính trị đạo đức tốt, tuyệt đối trung thành với chế độ xã hội chủ nghĩa và đường lối đổi mới do Đảng lãnh đạo. Trong quá trình giảng dạy, giảng viên có trách nhiệm và tâm huyết với nghề nghiệp, thể hiện rõ quan điểm của Chủ nghĩa Mác- Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh. Vì vậy, trong lý giải, phân tích các luận điểm đòi hỏi giảng viên phải thể hiện được tính Đảng, tính chiến đấu nhưng vẫn đảm bảo được tính khách quan và khoa học. Nhiều giảng viên đã thực sự trở thành “cánh chim đầu đàn” ở các bộ môn, giúp đỡ hướng dẫn cho các giảng viên trẻ (hiện nay đang thực hiện mô hình  “Đôi bạn cùng tiến”  nhằm nâng cao chất lượng giảng dạy của giảng viên). Vì vậy, trong số 7 giảng viên trẻ, đã có 5 giảng viên đủ điều kiện đứng lớp.
          Ban Giám hiệu đã quán triệt tất cả các khoa và giảng viên kiêm chức, giảng viên thỉnh giảng thực hiện nghiêm túc các quy chế liên quan đến quá trình giảng dạy. Giảng viên thực hiện đúng chương trình, nội dung, soạn giáo án đúng mẫu đã được ban hành. Nhiều giảng viên đã đầu tư chuẩn bị giáo án công phu, cập nhật kiến thức mới, gắn lý luận với thực tiễn phù hợp với đối tượng người học. Giáo án đảm bảo yêu cầu về thể thức, nội dung, quan điểm, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước đủ điều kiện thực hiện bài giảng trên lớp.
          Thứ tư, về công tác nghiên cứu khoa học.
          Ban Giám hiệu xác định hoạt động giảng dạy và nghiên cứu khoa học kết hợp chặt chẽ, bổ sung và nâng cao năng lực tư duy của đội ngũ giảng viên. Chính vì vậy, Trường Chính trị Lê Duẩn luôn coi trọng hoạt động nghiên cứu khoa học và nghiên cứu thực tế. Với nhiều hình thức đa dạng như nghiên cứu đề tài cấp khoa, cấp trường và cấp tỉnh, các đề tài luôn hướng tới mục tiêu thực hiện nhiệm vụ chính trị mà Thường vụ Tỉnh uỷ giao. Từ các đề tài khoa học, nhiều sáng kiến, kinh nghiệm đã được tổng kết vận dụng vào bài giảng góp phần làm sinh động thêm giờ giảng trên lớp tạo hứng thú cho người học.
          Có thể khẳng định rằng, việc triển thực hiện Bộ Quy chế 1855 của Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh ở Trường Chính trị Lê Duẩn nghiêm túc và đúng thời gian quy định. Nhà trường đã có những sáng tạo, cách làm mới phù hợp với đặc điểm tình hình được cán bộ, giảng viên và học viên cũng như cấp trên ghi nhận và đánh giá cao. Điều này đã được khẳng định qua bản đánh giá của Đoàn Thanh tra Học viện về làm việc ở trường từ ngày 19- 21/3/2018 “Trường Chính trị Lê Duẩn đã tổ chức quán triệt, triển khai thực hiện nghiêm túc các quy đinh của Bộ Quy chế về Quản lý đào tạo đến từng công chức, viên chức, lao động và học viên trong Nhà trường
          Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện Bộ Quy chế 1855 Nhà trường vẫn thấy còn một số vướng mắc nhất định, cụ thể là:
          Một là, trong Quy chế  Tuyển sinh Trung cấp lý luận chính trị- hành chính, tại điểm 5, Điều 4 có quy định người dưới 30 tuổi dự tuyển các lớp học tập trung tại trường giảm 5 tuổi với nữ và cán bộ đoàn. Ở các trường chính trị tỉnh, thành phố, trước đây lớp đào tập tập trung thường dành cho cán bộ cấp xã, phường, thị trấn, còn học viên là cán bộ các sở, ban, ngành học lớp không tập trung, nay với quy định như vậy làm cho trình độ của học viên trong lớp không đồng đều (có trình độ tiến sĩ, thạc sĩ, đại học, trung học phổ thông, còn có cả dân tộc ít người) nên giảng viên rất khó trong lựa chọn dung lượng kiến thức cũng như phương pháp trình bày.
          Hai là, tại Điểm a, Khoản 1, Điều 3 của Quy chế đánh giá và quản lý học viên quy định điều kiện dự thi và xét điều kiện dự thi “Học viên vắng có lý do dưới 20% tổng thời gian học trên lớp của phần học thì học lại nội dung chưa học, nếu vắng có lý do trên 20% tổng số thời gian học trên lớp của phần học hoặc vắng không có lý do thì học lại cả phần học đó. Kinh phí tổ chức học lại do học viên chịu trách nhiệm”.  Điều này có nghĩa trong suốt quá trình học tập trung 6 tháng với lớp tập trung, 9 tháng với lớp không tập trung học viên không được  vắng bất kỳ buổi học nào. Thực tiễn trong quá trình học, một số học viên hoặc vợ (chồng), con ốm đau phải điều trị ở bệnh viện, hoặc tứ thân phụ mẫu mất. Mặc dù không có quy định, nhưng đối với những trường hợp này phải được giải quyết hợp tình hợp lý phù hợp với truyền thống văn hoá của người Việt Nam.
          Ba là, cũng tại Điểm b, Mục 2, Điều 8 về thành phần và nhiệm vụ của Hội đồng thi tốt nghiệp “Chủ tịch Hội đồng thi tốt nghiệp là Hiệu trưởng hoặc 01 đồng chí trong Ban Giám hiệu do Hiệu trưởng phân công” . Theo Bộ Quy chế 1855 thi tốt nghiệp Trung cấp lý luận chính trị- hành chính là kỳ thi quốc gia nên phải có 01 phó chủ tịch hội đồng thi để giúp việc và giải quyết những việc cần thiết cho chủ tịch hội đồng thi.
          Qua thực tiễn năm học 2016-2017 và 2017-2018 thực hiện Quy chế 1855, thiết nghĩ cần thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp và điều chỉnh, bổ sung một số nội dung còn vướng mắc trong bộ quy chế hiện hành là điều hết sức cần thiết. Như Điểm 5, Điều 4 có thể quy định người dưới 30 tuổi dự tuyển các lớp học tập trung tại trường, giảm 5 tuổi với nữ và cán bộ đoàn đối với cán bộ cấp cơ sở, còn cán bộ các sở, ban, ngành có thể học lớp không tập trung.
          Điểm a, Khoản 1 Điều 3 của Quy chế đánh giá và quản lý học viên quy định Điều kiện dự thi và xét điều kiện dự thi, đề xuất sửa đổi:
          “Học viên vắng có lý do dưới 10% tổng thời gian học trên lớp của phần học thì được thi phần học này. Học viên vắng có lý do từ 10% đến dưới 20% tổng thời gian học trên lớp của phần học thì học lại nội dung chưa học và được thi phân học này. Nếu  học viên vắng có lý do trên 20% tổng số thời gian học trên lớp của phần học hoặc vắng không có lý do thì học lại cả phần học đó. Kinh phí tổ chức học lại do học viên chịu trách nhiệm”
          Mục 2, Phần b Xét điều kiện thi tốt nghiệp bổ sung thêm “Thành phần: Hội đồng thi tốt nghiệp gồm: Hiệu trưởng hoặc phó hiệu trưởng làm chủ tịch hội đồng thi, một đồng chí Phó Hiệu trưởng làm phó chủ tịch hội đồng thi, đại diện lãnh đạo phòng đào tạo, các khoa và chủ nhiệm lớp”   “Phó chủ tịch Hội đồng thi tốt nghiệp là 01 đồng chí trong Ban Giám hiệu do Hiệu trưởng phân công”.
          Đào tạo trung cấp lý luận chính trị- hành chính cho cán bộ, đảng viên là một trong những nhiệm vụ quan trọng của Đảng trang bị những kiến thức cơ bản và các kỹ năng cần thiết để góp phần xây dựng đội ngũ cán bộ vững vàng về bản lĩnh chính trị, nắm vững chuyên môn và có kỹ năng trong việc xử lý các tình huống xảy ra trong thực tiễn. Từ thực tiễn áp dựng Bộ Quy chế 1855,  trên cơ sở đề xuất góp ý của các trường chính trị tỉnh, thành phố, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh cần sửa đổi, bổ sung hoàn thiện Bộ Quy chế 1855. Từ đó các trường chính trị tỉnh, thành phố sẽ có được điều kiện và khung khổ thuận lợi hơn để thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị được giao.

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây