Huyền thoại về người lính

Thứ bảy - 05/12/2015 16:22

Ths. Nguyễn Thị Hồng Sâm
Phó Trưởng phòng Đào tạo

Lịch sử Việt Nam gắn liền với những cuộc chiến vệ quốc nối tiếp qua từng thế kỷ. Người lính Việt không ai khác hơn chính là những người dân, khi Tổ quốc cần lại đứng lên “đạp quân thù xuống đất đen/súng gươm vứt bỏ lại hiền như xưa..”.

Người lính huyền thoại đầu tiên trong lịch sử nước Việt có lẽ là Thánh Gióng. Người anh hùng ấy, đánh tan giặc lại cưỡi ngựa bay về trời, như đã làm xong phận sự tận trung báo quốc. Như những người lính hôm nay, sau cuộc chiến tranh vệ quốc, ngày tan bóng giặc thù lại trở về với nhà máy, ruộng nương, vui sống đời hòa bình. 

Năm nay, kỷ niệm 70 năm, ngày thành lập Quân đội Nhân dân Việt Nam (22-12-1944/22-12-2014), nhớ lại hình ảnh những người lính của đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân- tiền thân của Quân đội Nhân dân Việt Nam được thành lập trên vùng đất Tam Kim-Hoa Thám của huyện Nguyên Bình, nơi có cánh rừng mang tên Trần Hưng Đạo giữa rừng già Cao Bằng không thể không nhớ đến những đội quân trong lịch sử đất nước bởi những cuộc kháng chiến vệ quốc của người Việt hình như luôn bắt đầu với những đội quân bé nhỏ, khởi đi từ những cánh rừng để rồi từ đó lớn mạnh thành những đạo binh bách chiến bách thắng.

Từ một cánh rừng phía tây Lam Sơn-Thanh Hóa có tên là Lũng Nhai, từ thế kỷ 15, với mười tám người nông dân buổi ban đầu, dưới sự chỉ huy của Lê Lợi, đã cắt máu ăn thề , dấy binh khởi nghĩa, mất 10 năm nằm gai nếm mật để từ cái Lũng Nhai bé nhỏ ấy, đoàn quân của Lê Lợi đã đánh cho quân Minh tan tác: “Tướng giặc bị cầm tù, như hổ đói vẫy đuôi xin cứu mạng/Thần Vũ chẳng giết hại, thể lòng trời ta mở đường hiếu sinh” . 

Là những người nghĩa binh Tây Sơn cũng chỉ “áo vải cờ đào” , dưới sự lãnh đạo tài tình của vua Quang Trung với cuộc hành quân thần tốc đánh tan tác đội quân xâm lược nhà Mãn Thanh đông gấp bội. Những người lính của đạo binh ấy đã được lịch sử chứng nhận “mà nay áo vải cờ đào/ giúp dân dựng nước xiết bao công trình”..

Cũng như cánh rừng Lũng Nhai miền Thanh Hóa, từ khu rừng già của châu Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng này, 70 năm trước đội quân áo vải khởi đầu với 34 người tuyên thệ trong buổi chiều ngày 22 tháng 12 năm 1944 ấy, chỉ 10 năm sau, tháng 5 năm 1954, cả thế giới phải ngưỡng mộ đội quân đã đánh tan tác đạo binh thực dân thiện chiến bậc nhất thế giới, làm nên chiến thắng Điện Biên Phủ “nên vành hoa đỏ nên thiên sử vàng”. Rồi dài theo cuộc trường chinh kháng chiến, đi tới mùa xuân 1975 đại thắng, đánh bại những cuộc chiến tranh xâm lược ngay sau ngày hòa bình ở biên giới Tây Nam và biên cương phía Bắc.

Nhắc đến 34 người lính đầu tiên của đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân –tiền thân của Quân đội Nhân dân Việt Nam ngày nay, ít ai biết cho đến bây giờ, sau 70 năm vẫn có một người lính còn sống. Người cuối cùng của đội quân được thành lập trong buổi chiều ngày 22-12-1944 trong cánh rừng già Trần Hưng Đạo (huyện Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng) mang vẻ đẹp của một biểu tượng. Ông là Tô Văn Cắm, quê ở xã Tam Kim, huyện Nguyên Bình. Trong 34 người lính đầu tiên của đội VNTTGPQ, rất nhiều người sau này trở thành những vị tướng nổi danh trong quân đội như Đại tướng Hoàng Văn Thái, tướng Hoàng Sâm, có nhiều người cũng giữ các chức vụ cao trong quân đội, Nhà nước…Tuy nhiên, ông Tô Văn Cắm, người duy nhất trong 34 đội viên còn sống đến hôm nay lại là một người lính bình thường, không cả cấp hàm cấp hiệu, vào tuổi 90 ông vẫn làm một nông dân, đi từ cánh rừng già Cao Bằng vào tận vùng Đạ Tẻ (Lâm Đồng) sinh sống.

Cùng là những người lính đi ra từ cánh rừng, có người thành đại tướng, có người sau chinh chiến về sống đời dân lành, nhưng câu thơ của nhà thơ Nga, Evtouchenko dường như đã là một đúc kết chân lý: “Chẳng có ai tẻ nhạt ở trên đời/ Mỗi số phận chứa một phần lịch sử”. Trang sử của đất nước thời hiện đại đã bắt đầu từ những người nông dân mang áo vải, ruột tượng gạo vòng qua vai, chân đất, chân giày, súng trường, súng kíp trong bức ảnh chụp vào chiều 22 tháng 12 năm 1944 đã kể lại với chúng ta hôm nay chân lý đó, từ những số phận như người lính già Tô Văn Cắm. Đất nước này đã đi qua bao giông bão, chiến thắng bao đế quốc với hàng triệu người lính Tô Văn Cắm như thế.

Và nếu người lính già Tô Văn Cắm là hình ảnh chân thực mang tính biểu tượng của người lính Việt, thì ngay trên mảnh đất Quảng Trị này, vẫn còn hàng vạn biểu tượng của sự hy sinh, đó là hàng vạn nấm mồ liệt sĩ trong 72 nghĩa trang trong toàn tỉnh. Đó không chỉ là những nấm mồ có tên là chưa biết tên ở những Nghĩa trang Quốc gia như Trương Sơn hay đường Chín, đó không chỉ là những nấm mồ trong những nghĩa trang nơi xã giáp biên hay một thôn nghèo bên cửa biển..

Còn những người lính mà sự hy sinh không thể nào nói hết khi họ đã ngã xuống nhưng không còn chút vết dấu nào của xác thân , là những người lính năm nào đã chìm xuống dòng Thạch Hãn năm 1972 để bến sông xưa nay trở thành nghĩa- trang-không-bia-mộ, là hàng trăm nấm mồ với tấm bia đề liệt sĩ chưa biết tên..

Dịp kỷ niệm 70 năm ngày thành lập Quân đội Nhân dân Việt Nam năm nay, Đảng bộ và nhân dân Quảng Trị đã có một chương trình tri ân thiết thực mang tên “Hoa dâng mộ liệt sĩ” với sự hưởng ứng và chia sẻ của đông đảo các tầng lớp nhân dân. 

Không chỉ là sự tri ân, những bình hoa trên những mộ liệt sĩ sẽ nhắc cho chúng ta cái giá của cuộc sống hòa bình. Để nói với những người lính Việt rằng: Không ai bị lãng quên, không điều gì bị lãng quên. Chính họ, những người lính huyền thoại đã làm nên lịch sử của Tổ quốc. Từ trang sử đó, bất cứ kẻ thù nào rắp tâm xâm lược hay mưu đồ thôn tính đất nước này phải hiểu rằng: Dân tộc này không thể nào khuất phục vì những đứa con của đất nước này-những người lính Việt chưa bao giờ lùi bước trước quân thù!

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây