Hoạt động nghiên cứu khoa học và thực hiện sáng kiến - Một phong trào thi đua đang định hình của đoàn viên Công đoàn cơ sở Trường Chính trị Lê Duẩn

Thứ hai - 29/01/2018 19:35
 
ThS. Trần Hoàng
Trưởng phòng NCKH-TT-TL
          Nghiên cứu khoa học là quá trình tự hoàn thiện và nâng cao năng lực tư duy - một năng lực không thể thiếu của người giảng viên. Thông qua các hoạt động nghiên cứu khoa học, chất lượng giảng dạy sẽ được nâng cao, quá trình trao truyền kiến thức sẽ đạt hiệu quả. Xuất phát từ yêu cầu đó nên ở Trường Chính trị Lê Duẩn hoạt động nghiên cứu khoa học luôn được coi trọng và trở thành nhiệm vụ thường xuyên của đội ngũ giảng viên. Đặc biệt, những đổi mới trong Quy chế hoạt động khoa học của các trường chính trị tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương ban hành kèm theo Quyết định 1855/QĐ - HVCTQG ngày 21 tháng 4 năm 2016 của Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, đã khơi dậy và phát huy được tính tích cực, chủ động nghiên cứu khoa học của đội ngũ giảng viên, nhất là với giảng viên trẻ.
          Cùng với các hoạt động nghiên cứu khoa học thì việc tìm tòi, phát hiện và áp dụng những giải pháp dưới hình thức là những sáng kiến vào công việc nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác luôn được khuyến khích và trở thành một phong trào thi đua đang được định hình trong đoàn viên Công đoàn  cơ sở Trường Chính trị Lê Duẩn. Nghị định số 56/2015/NĐ-CP ngày 09 tháng 6 năm 2015 về đánh giá, phân loại cán bộ, công chức, viên chức quy định rõ, đối với viên chức để được đánh giá hoàn thành nhiệm vụ trở lên phải "Có ít nhất 01 công trình khoa học, đề án, đề tài hoặc sáng kiến được áp dụng và mang lại hiệu quả trong việc thực hiện công tác chuyên môn, nghề nghiệp được cấp có thẩm quyền công nhận" đã tạo nên động lực thi đua trong đoàn viên công đoàn. Nhiều đề tài khoa học và sáng kiến, kinh nghiệm được áp dụng vào giảng dạy, phục vụ giảng dạy đã góp phần nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng cán bộ của Nhà trường. Chính vì vậy, cấp uỷ đảng, ban giám hiệu và công đoàn luôn quan tâm, động viên và tạo điều kiện để viên chức đăng ký và tổ chức thực hiện.
          Từ năm 2017, ngoài các đề tài khoa học, hàng năm Hội đồng Xét duyệt sáng kiến Nhà trường sẽ xét duyệt và công nhận các sáng kiến. Một mặt để tôn vinh và công nhận những sáng kiến được áp dụng vào thực tiễn, góp phần nâng cao hiệu quả công tác. Mặt khác đó vừa là hoạt động gắn với chuyên môn vừa là cơ sở để xét thăng hạng, chuyển ngạch và các danh hiệu thi đua khác của viên chức nên bước đầu đã định hình và tạo ra phong trào thi đua có sức lan toả sâu rộng trong công tác của công đoàn viên.
Để thực hiện tốt phong trào thi đua đó, mỗi đoàn viên công đoàn cần phải hiểu rõ sáng kiến là gì? nghiên cứu khoa học là gì? Phân biệt được sáng kiến với đề tài nghiên cứu khoa học và mức độ giá trị khoa học của chúng.
          Theo quy định tại Nghị định số 13/2012/NĐ-CP ngày 02/3/2012 về việc ban hành Điều lệ Sáng kiến thì "Sáng kiến là giải pháp kỹ thuật, giải pháp quản lý, giải pháp tác nghiệp hoặc giải pháp ứng dụng tiến bộ kỹ thuật (gọi chung là giải pháp) được cơ sở công nhận nếu đáp ứng đầy đủ các điều kiện: Có tính mới trong phạm vi cơ sở đó; Đã được áp dụng hoặc áp dụng thử tại cơ sở đó và có khả năng mang lại lợi ích thiết thực". Đồng thời Nghị định cũng quy định rõ các đối tượng không được công nhận sáng kiến là "Giải pháp mà việc công bố, áp dụng giải pháp trái với trật tự công cộng hoặc đạo đức xã hội; Giải pháp là đối tượng đang được bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ theo quy định của pháp luật tính đến thời điểm xét công nhận sáng kiến".
            Đồng thời tại Thông tư số 18/2013/TT-BKHCN ngày 01/8/2013 của Bộ Khoa học và Công nghệ hướng dẫn thi hành một số quy định của Điều lệ Sáng kiến thì đối tượng được công nhận sáng kiến gồm giải pháp kỹ thuật, giải pháp quản lý, giải pháp tác nghiệp hoặc giải pháp ứng dụng tiến bộ kỹ thuật gồm:
"1. Giải pháp kỹ thuật là cách thức kỹ thuật, phương tiện kỹ thuật nhằm giải quyết một nhiệm vụ (một vấn đề) xác định, bao gồm:
a) Sản phẩm, dưới các dạng: vật thể (ví dụ: dụng cụ, máy móc, thiết bị, linh kiện); chất (ví dụ: vật liệu, chất liệu, thực phẩm, dược phẩm, mỹ phẩm); vật liệu sinh học (ví dụ: chủng vi sinh, chế phẩm sinh học, gen, thực vật, động vật biến đổi gen); hoặc giống cây trồng, giống vật nuôi;
b) Quy trình (ví dụ: quy trình công nghệ; quy trình chẩn đoán, dự báo, kiểm tra, xử lý, kỹ thuật chăn nuôi, trồng trọt; quy trình chẩn đoán, chữa bệnh cho người, động vật và thực vật...).
2. Giải pháp quản lý là cách thức tổ chức, điều hành công việc thuộc bất kỳ lĩnh vực hoạt động nào, trong đó có:
a) Phương pháp tổ chức công việc (ví dụ: bố trí nhân lực, máy móc, thiết bị, dụng cụ, nguyên liệu, vật liệu);
b) Phương pháp điều hành, kiểm tra, giám sát công việc.
3. Giải pháp tác nghiệp bao gồm các phương pháp thực hiện các thao tác kỹ thuật, nghiệp vụ trong công việc thuộc bất kỳ lĩnh vực hoạt động nào, trong đó có:
a) Phương pháp thực hiện các thủ tục hành chính (ví dụ: tiếp nhận, xử lý hồ sơ, đơn thư, tài liệu);
b) Phương pháp thẩm định, giám định, tư vấn, đánh giá;
c) Phương pháp tuyên truyền, đào tạo, giảng dạy, huấn luyện;
d) Phương pháp huấn luyện động vật; ...
4. Giải pháp ứng dụng tiến bộ kỹ thuật là phương pháp, cách thức hoặc biện pháp áp dụng một giải pháp kỹ thuật đã biết vào thực tiễn".
          Như vậy, cần hiểu rằng sáng kiến là những giải pháp và với đặc thù của Nhà trường, thực hiện nhiệm vụ đào tạo, bồi dưỡng cán bộ thì sáng kiến cần được tập trung vào các "Giải pháp quản lý là cách thức tổ chức, điều hành công việc; Giải pháp tác nghiệp bao gồm các phương pháp thực hiện các thao tác kỹ thuật, nghiệp vụ" để phục vụ nhiệm vụ giảng dạy và nghiên cứu khoa học của Nhà trường là chủ yếu. Năm 2017, Hội đồng Xét duyệt Sáng kiến Trường Chính trị Lê Duẩn  đã xét và công nhận 07 sáng kiến của 5 viên chức. Ví dụ: Đề xuất và chủ trì xây dựng "Quy chế văn hoá công sở và chuẩn mực ứng xử của cán bộ, công chức, viên chức, học viên Trường Chính trị Lê Duẩn"; hoặc Đề xuất kế hoạch và tổ chức Toạ đàm khoa học "Đồng chí Lê Duẩn với cách mạng Việt Nam và quê hương Quảng Trị" nhân kỷ niệm 110 năm ngày sinh Tổng Bí thư Lê Duẩn... được xét công nhận là những sáng kiến. Từ năm 2018, Phòng Nghiên cứu Khoa học - Thông tin - Tư liệu tham mưu để Hiệu trưởng ban hành thông báo để viên chức đăng ký và tổ chức thực hiện các sáng kiến dưới hình thức là tác giả hoặc đồng tác giả thực hiện các sáng kiến.
           Về nghiên cứu khoa học, theo Luật Khoa học và Công nghệ số 29/2013/QH13 thì "Nghiên cứu khoa học là hoạt động khám phá, phát hiện, tìm hiểu bản chất, quy luật của sự vật, hiện tượng tự nhiên, xã hội và tư duy; sáng tạo giải pháp nhằm ứng dụng vào thực tiễn".
          Như vậy, hoạt động nghiên cứu khoa học được hiểu là một hoạt động tìm kiếm, xem xét, điều tra, hoặc thử nghiệm. Dựa trên những số liệu, tài liệu, kiến thức… đạt được từ các thí nghiệm, nghiên cứu khoa học để phát hiện ra những cái mới về bản chất của sự vật, hiện tượng trong tự nhiên, xã hội hoặc  tư duy để sáng tạo phương pháp và phương tiện kỹ thuật mới cao hơn, giá trị hơn và được thể hiện cụ thể dưới dạng các đề tài khoa học. Với đề tài khoa học, ngoài những tiêu chí mang tính nội dung và hình thức có tính bắt buộc, bao giờ cũng phải có cơ sở khoa học - một trong những nội dung cần thiết để tạo nên sự khác biệt cơ bản giữa công trình nghiên cứu khoa học và sáng kiến.
          Theo quy định của quy chế và chức năng nhiệm vụ, Phòng Nghiên cứu Khoa học - Thông tin - Tư liệu tham mưu để Hiệu trưởng thông báo đến các khoa, phòng, tổ chức đoàn thể hoặc nhóm nghiên cứu đăng ký thực hiện các đề tài khoa học cấp cơ sở, (Nếu đăng ký nghiên cứu theo các đoàn thể hoặc nhóm thì không quá 5 thành viên/ đề tài) và thường được định hướng vào các nội dung:
 - Nghiên cứu, tổng kết thực tiễn và đề xuất những giải pháp để nâng cao chất lượng giảng dạy, nghiên cứu khoa học, hiệu quả quản lý, thực hiện quy chế,  hợp tác đào tạo để phục vụ đào tạo, bồi dưỡng cán bộ của Trường Chính trị Lê Duẩn.
- Nghiên cứu về thân thế và sự nghiệp cách mạng của Tổng Bí thư Lê Duẩn; giữ gìn, bảo tồn và phát triển văn hoá, di tích lịch sử cách mạng; tôn giáo, dân tộc và chính sách tôn giáo, dân tộc của Đảng và Nhà nước ở tỉnh Quảng Trị.
- Đưa các nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của nhà nước vào cuộc sống.
- Nghiên cứu các luận cứ khoa học cho việc hoạch định chính sách để tạo môi trường thuận lợi cho phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững an ninh quốc phòng, đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá nông nghiệp, nông thôn tỉnh Quảng Trị.
- Tổng kết thực tiễn quá trình thực hiện đường lối đổi mới trong tỉnh trên các lĩnh vực.
- Đề xuất các nhóm giải pháp, chính sách để nâng cao năng lực lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước, công tác dân vận và hiệu quả sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp  thuộc các thành phần kinh tế ở tỉnh Quảng Trị.
          Mỗi năm, Hội đồng Khoa học sẽ xem xét để chọn 02 đề tài phù hợp với yêu cầu nhiệm vụ của Nhà trường và có tính ứng dụng thực tiễn để hiệu trưởng phê duyệt và giao nhiệm vụ triển khai nghiên cứu. Ngoài ra Hội đồng Khoa học khuyến khích giảng viên thực hiện các đề tài khoa học cấp khoa để tích luỹ điểm khoa học. Các đề tài khi được Hội đồng Khoa học nghiệm thu và được thanh lý hợp đồng thì sẽ được Hiệu trưởng cấp Giấy chứng nhận thực hiện đề tài cấp cơ sở cho các thành viên và đương nhiên Giấy chứng nhận là cơ sở để xét thăng hạng, chuyển ngạch và các danh hiệu thi đua khác của viên chức.
          Thực hiện các đề tài nghiên cứu khoa học hoặc sáng kiến là những hoạt động tìm kiếm cái mới, giải pháp hiệu quả để vận dụng vào thực tiễn nhằm  nâng cao chất lượng công tác. Không những thế, những hoạt động đó còn là  tiêu chí thi đua gắn liền với trách nhiệm và quyền lợi của mỗi viên chức ở mỗi vị trí việc làm. Xuất phát từ yêu cầu đó nên trong Giao ước thi đua của Công đoàn cơ sở Trường Chính trị Lê Duẩn rất chú trọng đến việc khơi dậy các phong trào thi đua của công đoàn viên trong việc áp dụng những kết quả nghiên cứu và những giải pháp sáng tạo vào thực tiễn để mang lại lợi ích thiết thực, hiệu quả trong công tác. Đó là điểm sáng đang được định hình trong phong trào thi đua yêu nước của Công đoàn cơ sở Trường Chính trị Lê Duẩn nhằm góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị của Nhà trường./.

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây