Ghi nhận về hiệu quả hoạt động của những người hoạt động không chuyên trách qua chuyến đi thực tế tại xã Thanh, huyện Hướng Hóa

Thứ hai - 11/06/2018 20:39
 
                                                                                      CN.Nguyễn Hải Lý
                                             Khoa Lý Luận Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh
 
Thực hiện kế hoạch đi nghiên cứu thực tế cơ sở của Nhà trường, năm 2018 Khoa Lý luận Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh đã chọn địa điểm xã Thanh, một xã biên giới đặc biệt khó khăn của huyện Hướng Hóa để giảng viên nghiên cứu, khảo sát về những người hoạt động không chuyên trách cấp xã, thôn bản.
Xã Thanh nằm cách trung tâm huyện Hướng Hóa khoảng 25 km về phía Tây, có tổng diện tích tự nhiên là 2.122.9 ha, dân số 3.743 người (tính đến ngày 15/3/2018). Là một xã vùng cao đặc biệt khó khăn, có chiều dài biên giới 16 km, toàn xã có 685 hộ phân bố ở 10 thôn, bản; có cửa khẩu phụ và các tuyến đường tiểu ngạch qua lại với Nước Cộng hòa dân chủ nhân dân Lào. Phía Bắc giáp với xã Thuận, phía Tây và phía Nam giáp với Cộng hoà dân chủ nhân dân Lào, phía Đông giáp với các xã: A Xing, A Túc, Xy. Xã Thanh hiện có 2 dân tộc chính sinh sống, trong đó đồng bào Vân Kiều chiếm 94,16% còn lại 5,84 % dân tộc Kinh. Phần lớn địa hình nơi đây là đồi núi, bị chia cắt cô lập về mùa mưa bởi nhiều khe, suối nên việc đi lại, sản xuất gặp không ít khó khăn.
Trao đổi với chúng tôi đồng chí Hồ Văn Hạnh (Chủ tịch xã Thanh) cho biết :
Về số lượng những người hoạt động không chuyên trách của địa phương theo Nghị định 29/2013/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 92/2009/NĐ-CP ngày 22 tháng 10 năm 2009 của Chính phủ về chức danh, số lượng, một số chế độ, chính sách đối với cán bộ, công chức ở xã, phường, thị trấn và những người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã thì hiện xã Thanh bố trí 18 chức danh này cho 14 người. Theo Quyết định 08/QĐ-UBND ngày 11 tháng 2 năm 2014 thì hiện xã Thanh bố trí đủ 33 người hoạt động không chuyên trách cho 3 chức danh bí thư chi bộ, trưởng thôn bản, công an viên. Ngoài những người hoạt động không chuyên trách được nêu trên ở xã Thanh còn có 71 người hưởng phụ cấp và thực hiện một số nhiệm vụ ở các tổ chức chính trị-xã hội như: Trưởng ban Công tác Mặt trận, Chi hội trưởng Phụ nữ, Bí thư Chi đoàn TN, Chi hội trưởng Nông dân, Chi hội trưởng Người cao tuổi, Chi hội trưởng Cựu chiến binh, nhân viên y tế thôn, bản.
Về phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống
Những người hoạt động không chuyên trách ở cơ sở có lập trường tư tưởng, bản lĩnh chính trị vững vàng, kiên định theo con đường mà Đảng và Bác Hồ đã lựa chọn, có mục tiêu, lý tưởng độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội; có đạo đức, lối sống giản dị, gương mẫu; có ý thức tổ chức kỷ luật, có ý thức tu dưỡng, rèn luyện, có ý thức phấn đấu nâng cao trình độ, năng lực để hoàn thành nhiệm vụ được giao.
Về trình độ
Trong số 14 người hoạt động không chuyên trách cấp xã theo Nghị định số 92/2009/NĐ-CP về trình độ chuyên môn: 3/14 người đại học, 3/14 người trung cấp, 8/14 người chưa qua đào tạo; về trình độ lý luận chính trị: 4/14 người trung cấp, 1/14 người sơ cấp, 9/14 người chưa qua đào tạo, bồi dưỡng.
 Trong số 33 người được bố trí theo Quyết định 08/QĐ-UBND về trình độ văn hóa: 3/33 người THPT, 23/33 người THCS, 5/33 người tiểu học; về trình độ chuyên môn:1/33 người trung cấp, 32/33 người chưa qua đào tạo; về trình độ lý luận chính trị: 1/33 người trung cấp, 4/33 người sơ cấp, 28/33 người chưa qua đào tạo, bồi dưỡng.
Trong số 71 người hưởng phụ cấp và thực hiện một số nhiệm vụ ở các tổ chức chính trị - xã hội về trình độ văn hóa: 7/71 người THPT, 35/71 người THCS, 29/77 người tiểu học; về trình độ chuyên môn: 3/71 người trung cấp, 68/71 người chưa qua đào tạo; về trình độ lý luận chính trị: 1/71 người sơ cấp, 70/71 người chưa qua đào tạo.
Về thực hiện các chế độ, chính sách
Những người hoạt động không chuyên trách ở xã Thanh hiện hưởng mức lương theo quyết định 08/2014/QĐ-UBND tỉnh Quảng Trị. Ngoài ra họ không được hưởng các chính sách khác như đóng bảo hiểm y tế, BHXH..
Như vậy, theo đánh giá chung của đồng chí Hồ Văn Hạnh thì đội ngũ này có phẩm chất chính trị tốt; năng lực: trong quá trình giải quyết công việc đảm bảo, đạt yêu cầu. Trong những năm qua nhờ đội ngũ này mà các công việc của chính quyền được thực hiện nhanh và hiệu quả đảm bảo phát triển kinh tế, ổn định an ninh, trật tự của một xã biên giới.
Qua thực tế nghiên cứu ở xã Thanh, bản thân nhận thấy những người hoạt động không chuyên trách còn bộc lộ 2 hạn chế cơ bản sau:
Thứ nhất, những người hoạt động không chuyên trách ở xã Thanh là 47 người (trên 3.743 dân, trên 22 cán bộ công chức cấp xã) là khá đông, chưa kể 71 người hưởng phụ cấp và thực hiện một số nhiệm vụ ở các tổ chức chính trị - xã hội, dẫn đến bộ máy khá cồng kềnh, khó quản lý, hiệu quả hoạt động khó kiểm soát và chưa cao. Bên cạnh đó, số lượng đông tạo áp lực cho ngân sách trong việc chi trả phụ cấp và thực hiện các chính sách khác có liên quan như BHXH, BHYT....
Thứ hai, mặc dù lãnh đạo xã đã quan tâm đến việc nâng cao chất lượng, trước mắt đội ngũ những người hoạt động không chuyên trách có thể đáp ứng được yêu cầu về thực hiện nhiệm vụ, nhữn về lâu dài với tư cách là lực lượng dự nguồn, quy hoạch cho một số chức danh cấn bộ công chức cấp xã thì chưa đáp ứng được điều kiện, yêu cầu đặt ra. Ví dụ như  đối tượng theo Nghị định số 92/2009/NĐ-CP chưa qua đào tạo chuyên môn chiếm 57,2%, chưa đào tạo trình độ lý luận chính trị chiếm 64,3% ; đối tượng theo Quyết định 08/QĐ-UBND chưa qua đào tạo chuyên môn chiếm 96,7%, chưa đào tạo trình độ lý luận chính trị chiếm 84,9%.
Nguyên nhân của những hạn chế, bất cập nêu trên là:
- Địa vị pháp lý của những người hoạt động không chuyên trách chưa rõ ràng. Như theo Nghị định số 92/2009/NĐ-CP thì những người hoạt động không chuyên trách chỉ mới đề cập chưa phân biệt rõ ràng về: chế độ làm việc, nhiệm vụ, các tiêu chí, tiêu chuẩn để đánh giá chất lượng, hiệu quả hoạt động của họ.
 -  Trước yêu cầu tinh giảm, gọn nhẹ nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động của bộ máy chính quyền các cấp nói chung, cấp xã nói riêng và với kinh nghiệm của nhiều địa phương trên cả nước cho thấy việc thực hiện kiêm nhiệm một số chức danh sẽ giảm được sự cồng kềnh của bộ máy, giảm áp lực cho ngân sách trong việc chi trả chế độ, đồng thời nâng cao được hiệu quả hoạt động của bộ máy chính quyền cơ sở. Xã Thanh với đặc thù là một xã có số dân không lớn (3.743 người) phân bố thưa thớt nên việc kiêm nhiệm là rất cần thiết nhưng hiện tại việc thực hiện kiêm nhiệm chưa được lãnh đạo xã quan tâm thực hiện.
Để phát huy những thành tựu đạt được cũng như khắc phục những hạn chế mà hiện tại xã Thanh đang gặp phải và thực hiện các nghị quyết của Hội nghị trung ương 6 khóa XII, chương trình hành động của Hội nghị lần thứ 13 khóa XVI của Tỉnh ủy Quảng Trị, đồng thời nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động đội ngũ những người hoạt động không chuyên trách nói chung và xã Thanh nói riêng, tôi đề xuất một số ý kiến sau:
Một là, Đảng và Nhà nước cần có quan điểm rõ ràng, đúng đắn về đối tượng này, họ là đối tượng nào trong hệ thống cán bộ, công chức; cần phải có văn bản quy định để tạo địa vị pháp lý cho họ trong tổ chức và hoạt động đặc biệt trong thực hiện nhiệm vụ.
Thứ hai, cần sắp xếp bố trí kiêm nhiệm trên cơ sở đề án 13 của tỉnh ủy tỉnh Quảng Trị. Với nguyên tắc bố trí “ít mà tinh thông, một mà giỏi” tức là một chức danh “cứng” kiêm thêm nhiều chức danh khác, một người đảm nhiệm nhiều việc nhằm tinh gọn nhẹ bộ máy ở cơ sở, tạo điều kiện cho những người hoạt động không chuyên trách ổn định cuộc sống, yên tâm công tác, làm việc có chất lượng, hiệu quả. Ví dụ như phó bí thư đoàn kiêm chủ tịch Hội liên hiệp thanh niên, bí thư chi bộ kiêm trưởng thôn, cán bộ xã kiêm 1 số chức danh đoàn thể (hội chủ thập đỏ, chủ tịch hội người cao tuổi..) và để thực hiện tốt việc kiêm nhiệm thì cần có chính sách hợp lý cho người làm kiêm nhiệm
Ba là, nâng cao chất lượng đội ngũ những người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã  trên cơ sở đã thực hiện tinh gọn bộ máy nhằm đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ là đòi hỏi cấp thiết, như đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ, lý luận chính trị. Đặc biệt, là những người được quy hoạch, dự nguồn các chức danh cán bộ, công chức cấp xã.
Bốn là, trong thời gian chờ đợi việc thực hiện các chế độ tiền lương, phụ cấp và chế độ bảo hiểm theo tinh thần Hội nghị trung ương 7 khóa XII từ đây cho tới 2021 Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân tỉnh cần tiếp tục nghiên cứu về thực hiện phụ cấp và các chính sách khác cho đội ngũ này. Có như vậy, họ sẽ chuyên tâm với công việc và tự chịu trách nhiệm về công việc của mình trước Đảng và nhân dân.
Ngoài ra, đối với đề án tạo nguồn cán bộ, công chức cấp xã được Ban Thường vụ Tỉnh ủy Quảng Trị ban hành theo Quyết định số 1618-QĐ/TU ngày 27/5/2015 (Đề án 1618) thì xã Thanh được bố trí 2 người với 4 chức danh (1 tuyên giáo - dân vận và 1 người tổ chức - kiểm tra) 2 đồng chí này được lãnh đạo xã đánh giá là họ có trình độ chuyên môn và hoạt động hiệu quả. Lãnh đạo xã và bản thân tôi đề nghị Tỉnh ủy tổng kết Đề án 1618 sớm có quyết định chính thức đối với đội ngũ không chuyên trách này để họ yên tâm công tác.
Những người hoạt động không chuyên trách ở cơ sở là lực lượng luôn song hành cùng đội ngũ cán bộ, công chức cấp xã trong việc làm "cầu nối" giữa Đảng, Nhà nước với nhân dân, trực tiếp tham gia vào các hoạt động của hệ thống chính trị ở cơ sở và có nhiều đóng góp quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Có thể việc tinh gọn và nâng cao hiệu quả hoạt động của đội ngũ này là cơ sở để xã Thanh nói riêng và hệ thống chính trị cấp xã nói chung thực hiện tốt hơn chức năng, nhiệm vụ của mình./.

Tổng số điểm của bài viết là: 3 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 3 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây