Ghi nhận những kết quả đạt được trong công tác chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em tại tỉnh Quảng Trị hiện nay

Thứ bảy - 18/08/2018 08:42
 
ThS. Nguyễn Thị Mỹ Vân
 GV. Phòng Đào tạo
Trong những năm qua, trên địa bàn tỉnh Quảng Trị, hệ thống an sinh xã hội ngày càng được triển khai đồng bộ và dần hoàn thiện. Với sự chung tay nỗ lực thực hiện các chương trình hành động vì trẻ em, công tác chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em Quảng Trị đã có những thay đổi cơ bản rõ rệt:
Thứ nhất, về chính sách hỗ trợ pháp lý: việc thực hiện 10 quyền của trẻ em cơ bản đã được các cấp, các ngành quan tâm, hầu hết các em đã hưởng đầy đủ các quyền của mình. Có 98% trẻ em được đăng ký khai sinh theo đúng quy định. Toàn tỉnh đã có hơn 43/141 xã triển khai mô hình bảo vệ trẻ em (BVTE) dựa vào cộng đồng với việc phân công chức năng và nhiệm vụ của từng thành viên trong Ban Điều hành BVTE cấp tỉnh, cấp huyện và Ban BVTE cấp xã.[2]
 Thứ hai, về công tác giáo dục: 100% xã, phường, thị trấn được công nhận đạt chuẩn Quốc gia phổ cập giáo dục tiểu học chống mù chữ. Toàn tỉnh đã có 49 trường mầm non, 143 trường tiểu học, 41 trường THCS, 03 trường THPT đạt chuẩn Quốc gia; 100% trường mầm non thực hiện tốt việc đảm bảo an toàn cho trẻ; hơn 86% dân cư nông thôn được sử dụng nước sạch. Quảng Trị được công nhận là tỉnh hoàn thành phổ cập giáo dục tiểu học đúng độ tuổi từ năm 2007 và duy trì vững chắc kết quả cho đến nay, đã huy động trên 99,8% trẻ em trong độ tuổi đến trường tiểu học; thực hiện chế độ miễn học phí cho trẻ; có trên 52,8% học sinh được học hai buổi/ngày. Công tác xây dựng cơ sở vật chất, kiên cố hoá tr­ường lớp học, xây dựng phòng học bộ môn, mua sắm trang thiết bị dạy học tiếp tục đ­ược các cấp uỷ đảng, chính quyền địa ph­ương và các nhà tr­ường quan tâm, vì thế chất lượng giáo dục đã được cải thiện đáng kể theo hướng chuẩn hóa, hiện đại hóa.[2]
Thứ ba, về chăm sóc y tế: Toàn tỉnh có 1.625 giường bệnh, 82/141 xã đạt bộ tiêu chí quốc gia về y tế, công tác vệ sinh an toàn thực phẩm, gần 100% trẻ em được cấp thẻ khám chữa bệnh và các chương trình hỗ trợ chăm sóc sức khỏe góp phần cho trẻ em hòa nhập cuộc sống và nâng cao sức khỏe về thể chất lẫn tinh thần, tỷ lệ suy dinh dưỡng trẻ em giảm xuống còn 15,5%. Việc tiếp cận dịch vụ y tế đối với trẻ em nói chung đã có bước phát triển đáng kể, trẻ dưới 6 tuổi được cấp thẻ bảo hiểm y tế và khám chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe miễn phí khi ốm đau đạt 99%; tỷ suất tử vong trẻ em dưới 01 tuổi là 10/1000 trẻ sinh ra sống; trẻ em dưới 05 tuổi là 12/1000 trẻ sinh ra sống.[2]
Thứ tư, về đời sống văn hóa, tinh thần: đến nay, hầu như các xã, phường, thị trấn đã có điểm vui chơi cho trẻ em gắn với trung tâm học tập văn hóa cộng đồng của xã, phường, thị trấn (điểm vui chơi dành riêng cho trẻ em có đầu tư nhưng tỉ lệ còn thấp). Đối với thôn bản khu phố có 912/1.066 nhà văn hóa cộng đồng là điểm tập trung các em vui chơi tổ chức các hoạt động ngày quốc tế thiếu nhi, tết trung thu, tết nguyên đán và nhiều hoạt động vui chơi giải trí khác. Sức khỏe, dinh dưỡng, đời sống văn hóa tinh thần của trẻ em ngày càng được quan tâm bằng nhiều hình thức phong phú đa dạng, góp phần giáo dục đạo đức, thể chất, tinh thần cho trẻ em.[2]
Thứ năm, các chính sách và an sinh xã hội đối với trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt: an sinh xã hội đã trở thành chỗ dựa vững chắc cho đối tượng dễ bị tổn thương, trong đó công tác bảo vệ, chăm sóc, giáo dục cho trẻ em đặc biệt được quan tâm. Đến nay, Quảng Trị có 181.560 trẻ em dưới 16 tuổi chiếm 29,44% dân số. Trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt có số lượng khá đông, trên 20.000 cháu (chiếm 11% số trẻ em toàn tỉnh). Trong năm 2017, trẻ em trong các gia đình nghèo có 16.550 em, trẻ mồ côi không nơi nương tựa có 342 em, trẻ khuyết tật có 3.803 em, trẻ bị xâm hại tình dục 06 em, trẻ em tảo hôn 175 em, trẻ em làm trái pháp luật là 49 em....[3].Công tác chăm sóc trẻ em tập trung chú trọng đến đối tượng trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, chăm sóc từ gia đình, cộng đồng và các chính sách của nhà nước đã tạo nhiều cơ hội trẻ em hòa nhập cộng đồng. Quảng Trị đã thành lập trường trẻ em khuyết tật, tạo điều kiện để cho trẻ khuyết tật nặng vào học theo mô hình chuyên biệt theo đúng nội dung, chương trình và thời gian quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Tất cả các trẻ khuyết tật nhẹ được đưa vào học hòa nhập tại các trường tiểu học trên địa bàn mà gia đình trẻ đang sinh sống. Trên toàn tỉnh có 96% xã, phường, thị trấn đạt tiêu chuẩn phù hợp với trẻ em, bằng 104% năm 2016 (136/141 xã, phường, thị trấn đạt tiêu chuẩn cấp huyện theo Quyết định 34 (năm 2016: 131/141); trên 92% trẻ em có hoàn cảnh khó khăn đặc biệt được chăm sóc, bảo vệ.[3]
Để đạt được những kết quả đó, phải ghi nhận sự chú trọng quan tâm của ban, ngành, đoàn thể các cấp trong triển khai công tác chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em. Ban Thường vụ Tỉnh uỷ đã nhanh chóng ra Nghị quyết số 03/NQ-TU ngày 07/4/2005, về việc tiếp tục tăng cường công tác Dân số - Gia đình và Trẻ em trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước; các địa phương đều có chương trình hành động và kế hoạch nhằm tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy đảng ở cơ sở đối với công tác bảo vệ chăm sóc giáo dục trẻ em. Uỷ ban nhân dân tỉnh ra Kế hoạch số 1189/KH-UBND-VX ngày 10/5/2011 thực hiện Quyết định số 239/QĐ-TTg ngày 09/02/2010 của Thủ tướng Chính phủ, về việc phê duyệt Đề án Phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em năm tuổi giai đoạn 2010-2015; Kế hoạch thực hiện các mục tiêu BVCSGDTE giai đoạn 2001-2010 và Chương trình hành động Vì trẻ em giai đoạn 2011-2020 của tỉnh; Uỷ ban nhân dân tỉnh cùng các ban, ngành, đơn vị liên quan đã ký kết nhiều chương trình phối hợp có hiệu quả như: “Diễn đàn trẻ em”, Hội thi về “Quyền trẻ em”, tổ chức hội trại hè với chủ đề “Chúng em với môi trường” và “Chăm sóc trẻ em có Hoàn cảnh đặc biệt”,  chương trình “Tiếp sức đến trường” tổ chức trao học bổng, phát thưởng cho các cháu học sinh đạt kết quả cao, trẻ em nghèo, con em gia đình chính sách, trẻ em mồ côi có hoàn cảnh khó khăn.
Bên cạnh những kết đạt được vẫn còn một số hạn chế, khó khăn trong thực hiện công tác chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em. Với xuất phát điểm kinh tế thấp, cơ cấu kinh tế chuyển dịch còn chậm; đời sống nhân dân vùng sâu, vùng xa còn khó khăn. Điều đó, kéo theo một bộ phận trẻ em rơi vào nguy cơ hoàn cảnh đặc biệt hoặc chưa nhận được quan tâm đúng mức, đặc biệt là trẻ em của các dân tộc ít người hai huyện Đakrông và Hướng Hóa lao động sớm, trẻ em trong gia đình nghèo chịu nhiều thiệt thòi, ít được chăm sóc về mặt thể chất và tinh thần.Tình trạng bất bình đẳng giới, bạo lực trên cơ sở giới, xâm hại, bạo hành phụ nữ và trẻ em gái, tình trạng tảo hôn ở vùng đồng bào dân tộc miền núi, vùng sâu, vùng xa còn diễn ra khá phổ biến. Hiện nay, Luật Trẻ em năm 2016 mới có hiệu lực và có nhiều thay đổi nên việc triển khai ở cấp cơ sở vẫn chưa được đồng bộ. Đội ngũ làm công tác bảo vệ chăm sóc trẻ em hiện nay còn thiếu và chưa đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ do cán bộ cấp huyện, thị xã, thành phố và xã, phường, thị trấn chỉ có 01 người nhưng lại kiêm nhiệm nhiều công việc; cán bộ Lao động thương binh xã hội xã, phường, thị trấn có 11 đầu việc (trẻ em là đầu việc thứ 11) nên việc theo dõi và thực hiện các hoạt động liên quan đến trẻ em một số địa phương vẫn còn hạn chế; ở cấp thôn, bản, khu phố không có cộng tác viên trẻ em, vì vậy rất khó khăn trong việc chỉ đạo, nắm bắt thông tin ở cơ sở, nhất là các vấn đề lao động nặng nhọc, bạo lực, xâm hại trẻ em.
Để thực hiện tốt công tác chăm sóc giáo dục và bảo vệ trẻ em trong thời gian tới, theo tôi chúng ta cần chú trọng thực hiện tốt một số vấn đề sau:
Thứ nhất, tăng cường công tác tuyên truyền, vận động nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cấp ủy Đảng, chính quyền, các tổ chức chính trị - xã hội và nhân dân về tầm quan trọng của công tác chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em; thực hiện triển khai phổ biến sâu rộng Luật Trẻ em 2016, các chương trình hành động vì trẻ em để nâng cao ý thức cộng đồng cùng chung tay vì công tác chăm sóc giáo dục và bảo vệ trẻ em.
Thứ hai,Tỉnh ủy, Uỷ ban nhân dân tỉnh tiếp tục theo dõi, chỉ đạo các ban ngành, địa phương liên quan nâng cao hơn nữa vai trò, trách nhiệm và sự phối hợp liên ngành trong việc thực hiện can thiệp, giúp đỡ trẻ em bị bạo lực và trẻ bị xâm hại để trẻ em được can thiệp và trợ giúp kịp thời nhằm đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp cho trẻ em.
Thứ ba, các cấp ban, ngành, đoàn thể cần duy trì và tiếp tục xây dựng những mô hình điểm, đặc thù về chăm sóc giáo dục và bảo vệ trẻ ở những vùng sâu, vùng xa, đồng bào ít người, vùng khó khăn, có những chương trình hỗ trợ kịp thời để quan tâm đến các gia đình chính sách, trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, khó khăn.
Thứ tư, huy động các cá nhân và tổ chức xã hội nhằm xã hội hóa công tác chăm sóc giáo dục trẻ em đặc biệt là chung tay xây dựng các cơ sở vật chất phục vụ trẻ em như các công trình, địa điểm vui chơi, sinh hoạt tạo sân chơi lành mạnh cho trẻ em. 
Thứ năm, xây dựng và thực hiện chính sách đãi ngộ phù hợp đối với đội ngũ cộng tác viên, tình nguyện viên làm công tác chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát việc chấp hành pháp luật, chính sách liên quan đến trẻ em và thực hiện các quyền của trẻ em.
Thứ sáu, tiếp tục tập huấn, nâng cao kiến thức, quản lý, tổ chức thực hiện cho cán bộ cơ sở và cộng tác viên về công tác bảo vệ chăm sóc trẻ em các cấp và xây dựng mô hình bảo vệ trẻ em, tổ chức tọa đàm tư vấn cho các hộ dân các trường học về quyền trẻ em, kỹ năng sống, tâm lý giới tính trẻ em, phòng tránh bạo lực xâm hại trẻ em. Khuyến khích mọi người dân và trẻ em lên tiếng tố cáo các hành vi bạo lực, xâm hại trẻ em.
Trẻ em là mầm non tương lai của đất nước, quan tâm công tác chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em là đầu tư cho phát triển nguồn nhân lực, góp phần vào sự phát triển bền vững. Cùng với sự quyết tâm và chung tay của các cấp, các ngành, đoàn thể và mỗi cá nhân trên địa bàn tỉnh, trẻ em Quảng Trị sẽ có cơ hội phát triển trong môi trường an toàn, lành mạnh và ngày càng tốt đẹp hơn.
Tài liệu tham khảo
  1.  Đinh Công Thoan, Nội dung chủ yếu của pháp luật bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em, Uỷ ban Dân số, Gia đình và Trẻ em, năm 2005
  2.  Sở Lao động Thương binh và Xã hội tỉnh Quảng Trị, Báo cáo số 1477/BC-SLĐTBXH  ngày 22 tháng 6 năm 2017,  Sơ kết 05 năm thực hiện chỉ thị số 20 – CT/ TW ngày 05/11/2012 của Bộ Chính trị và chương trình hành động số 69- CTHĐ/TU, ngày 02/7/2013 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy “Về việc tăng cường lãnh đạo cuả Đảng đối với công tác chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em trong tình hình mới”.
  3. Sở Lao động Thương binh và Xã hội tỉnh Quảng Trị, Báo cáo số 3685 BC-SLĐTBXH-BVCSTE&BĐG ngày 21 tháng 12 năm 2017, Kết quả công tác trẻ em và bình đẳng giới năm 2017, kế hoạch công tác năm 2018.
  4. Trần Thị Thanh Thanh, Bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em trong thời kỳ mới một số vấn đề lý luận và thực tiễn, Uỷ ban bảo vệ và chăm sóc trẻ em Việt Nam, năm 2003.
 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây