Đông Hà đẩy mạnh việc xã hội hóa trong lĩnh vực chỉnh trang đô thị để đạt đô thị loại II trước năm 2020

Thứ bảy - 05/12/2015 16:27

Nguyễn Hải Lý
GV khoa LLMLN, TTHCM

Đông Hà là thành phố tỉnh lỵ của tỉnh Quảng Trị, nằm trên tuyến hành lang kinh tế Đông - Tây nối với Lào - Thái Lan - Mianmar qua cửa khẩu quốc tế Lao Bảo. Trải qua 2 cuộc chiến tranh ác liệt chống Pháp, chống Mỹ người dân Đông Hà anh dũng, kiên cường đã vượt qua nhiều gian nan thử thách, chiến đấu và chiến thắng kẻ thù, viết nên những trang sử hào hùng của chủ nghĩa anh hùng cách mạng. Trên đà hội nhập quốc tế của cả nước và các đô thị lớn miền Trung, Đông Hà đã và đang từng bước vươn lên, phấn đấu không ngừng nghỉ để khẳng định chính mình, gắn kết mình trong mối quan hệ của cả nước. Để ghi nhận đối với những cố gắng của Đảng bộ và nhân dân thành phố, ngày 13 tháng 12 năm 2005, Bộ Xây dựng đã công nhận Đông Hà là đô thị loại III. Và ngày 11/8/ 2009, Đông Hà vinh dự được Chính phủ ban hành Nghị quyết số: 33/NQ-CP thành lập thành phố Đông Hà thuộc tỉnh Quảng Trị. Nhận được sự quan tâm sâu sắc của Đảng và Nhà Nước, thành phố Đông Hà như tiếp thêm sức mạnh để vững bước tiến vào thời kỳ phát triển mới. Từ 2011 đến nay thông qua công tác xã hội hoá và huy động sự đóng góp của xã hội, Đông Hà đã xây dựng được 25km đường có điện chiếu sáng với 7000 bóng đèn cao áp; trồng mới hơn 2,5km cây xanh đường phố; thực hiện bê tông hoá hơn 50km đường; đầu tư và xây dựng mới nhiều trụ sở phường, sửa chữa và đầu tư mới nhiều công trình vệ sinh công cộng, khu vui chơi giải trí có chất lượng. Công tác bảo vệ môi trường được quan tâm, các phong trào tự nguyện quản lý xây dựng khu phố xanh, sạch, đẹp được triển khai thường xuyên và được người dân hưởng ứng nhiệt tình. Công tác kiểm tra, giám sát thực hiện bảo vệ môi trường, cảnh quan đô thị được cơ quan, tổ chức có thẩm quyền của thành phố quan tâm đúng mức cụ thể là đã hình thành các tổ công tác và đoàn kiểm tra xử lý nghiêm các trường hợp lấn chiếm vỉa hè, lòng lề đường, vứt rác bừa bải, bẻ cành cây xanh trong thành phố…. 

Bên cạnh những kết quả đáng trân trọng nêu trên, thì công tác xã hội hoá ở Đông Hà vẫn còn hạn chế: Việc thu hút đầu tư, huy động nguồn lực đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng đô thị vẫn còn gặp nhiều khó khăn, chưa đáp ứng được nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội của thành phố; thu ngân sách chưa bền vững, còn phụ thuộc nhiều vào nguồn thu từ khai thác quỹ đất, nguồn đầu tư của trung ương, của tỉnh; công tác giải phóng mặt bằng phục vụ công tác xây dựng hạ tầng vẫn còn nhiều vướng mắc, ảnh hưởng đến tiến độ thi công các dự án trên địa bàn; công tác quản lý quy hoạch thiếu tính đồng bộ, manh mún. Công tác quản lý đô thị còn yếu, chưa phân cấp quản lý cụ thể dẫn đến tình trạng lộn xộn về mặt kiến trúc; người dân chưa tự ý thức trong việc xây dựng và tạo cảnh quan đô thị ….. Mặt khác, ý thức giám sát, bảo vệ tài sản công của người dân còn chưa cao. 

Trong những năm gần đây thành phố Đông Hà đang từng bước bắt kịp tốc độ phát triển của các đô thị trong cả nước và đáp ứng được yêu cầu, đòi hỏi của thời kỳ hội nhập. Ngày 31/ 5/2013 Nghị quyết 06/2013/NQ-HĐND của Hội đồng nhân dân tỉnh Quảng Trị về xây dựng phát triển, đưa thành phố Đông Hà đạt đô thị loại II vào năm 2020. Nghị quyết số 108/NQ-HDND của Hội đồng nhân dân thành phố Đông Hà ngày 10/7/2014 về việc thông qua Đề án xã hội hoá xây dựng vỉa hè, điện chiếu sáng khu dân cư và trồng cây xanh đường phố thành phố Đông Hà giai đoạn 2014 – 2020 với mục tiêu: hoàn thiện cơ sở hạ tầng đô thị thành phố theo hướng hiện đại, đồng bộ, bền vững, thân thiện với môi trường. Huy động các nguồn lực xã hội hoá để đẩy nhanh xây dựng vỉa hè, điện chiếu sáng khu dân cư và trồng cây xanh đường phố, từng bước hoàn thiện kết cấu hạ tầng đô thị, phấn đấu cơ bản đạt tiêu chí đô thị loại II vào năm 2020. Đểtiếp tục thực hiện có hiệu quả việc xã hội hoá trong lĩnh vực chỉnh trang đô thị chính quyền và nhân dân thành phố Đông Hà cần thực hiện đồng bộ một số giải pháp sau:

Thứ nhất, tranh thủ nguồn vốn hỗ trợ của Trung ương từ các chương trình mục tiêu quốc gia để đầu tư cơ sở hạ tầng, thu hút đầu tư các nguồn vốn ODA, các tổ chức và các nhà đầu tư trong và ngoài nước, trong và ngoài tỉnh để đầu tư phát triển hạ tầng kỹ thuật đô thị (giao thông, thoát nước, điện chiếu sáng, vỉa hè…) để thúc đẩy phát triển sản xuất kinh doanh và xây dựng các công trình phúc lợi xã hội. Tận dụng và khai thác có hiệu quả nguồn quỹ đất của thành phố để xây dựng hạ tầng đặc biệt là chỉnh trang đô thị. Ưu tiên bố trí và sử dụng có trọng điểm các nguồn vốn từ ngân sách Trung ương, của tỉnh, đặc biệt các công trình, hạng mục phục vụ cho chiến lược phát triển kinh tế của tỉnh nói chung và của thành phố nói riêng như đường Lê Thánh Tông, Lê Lợi nối dài, Trần Bình Trọng, Nguyễn Trãi nối dài…. Mặt khác, Đông Hà tiếp tục tập trung nâng cấp mở rộng các tuyến đường nội thành theo quy hoạch, xây dựng các tuyến đường vành đai thành phố, bê tông hoá 100% các tuyến đường trong khu dân cư. Giải quyết nhanh những vấn đề liên quan giải phóng mặt bằng nhằm đáp ứng nhanh tiến độ thi công của các công trình, dự án trong thành phố.

Thứ hai, nghiên cứu xây dựng, bổ sung cơ chế, chính sách và hoàn thiện các thiết chế văn hoá.

Thành phố tập trung nghiên cứu, chủ động ban hành một số cơ chế, chính sách đặc thù tạo điều kiện cho thành phố chủ động huy động các nguồn vốn đầu tư thông qua tổ chức xúc tiến đầu tư; ban hành quy chế quản lý kiến trúc đô thị, một số quy chế về quản lý vỉa hè, đường phố, đèn điện, cây xanh…… cụ thể phân trách nhiệm giám sát, bảo vệ cho từng khu phố, cụm dân cư, hộ gia đình gắn trách nhiệm với quyền lợi. Đồng thời, thông qua cơ chế huy động sự đóng góp của người dân, của doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh tạo điều kiện cho Đông Hà phát triển nhanh, bền vững.

Thứ ba, một vấn đề hết sức quan trọng khi thực hiện xã hội hoá chỉnh trang đô thị đó là cần sự chung tay đóng góp của cả cộng đồng dân cư trong thành phố. Bên cạnh, việc phân trách nhiệm cho người dân thì cần nâng cao ý thức của người dân trong vấn đề quản lý, bảo vệ môi trường, vỉa hè, đường phố, đèn điện, cây xanh… Nâng cao hơn nữa năng lực quản lý quy hoạch đô thị và xã hội hoá chỉnh trang đô thị.

Thứ tư, tăng cường phối kết hợp công tác tuyên truyền, phát động các phong trào thi đua đến từng đối tượng, hộ dân, khu phố, cơ quan, tổ chức, đơn vị,… bằng nhiều hoạt động cụ thể như cổ động, diễu hành, biểu ngữ, cuộc thi…. với chủ đề lề thông, hè thoáng, sáng – xanh – sạch – đẹp, trật tự giao thông, văn minh đô thị… Nhằm nâng cao ý thức, trách nhiệm của nhân dân trong việc giám sát, bảo vệ hệ thống hạ tầng vỉa hè, điện chiếu sáng và cây xanh trên địa bàn thành phố. Xây dựng văn hoá ứng xử của cộng đồng, hình thành nếp sống đô thị hoá nhằm khẳng định hơn nữa lòng tự hào là người dân của thành phố Đông Hà không những anh hùng trong chiến đấu hiện đại trong cuộc sống.

Bên cạnh đó, tiếp tục rà soát đầu tư và củng cố các phương tiện trong lĩnh vực thu gom, xử lý rác thải, vệ sinh môi trường và các công trình phúc lợi công cộng như: đèn chiếu sáng, nhà vệ sinh, thùng rác… huy động nguồn lực từng bước xây dựng hệ thống hạ tầng kỹ thuật như nâng cấp lòng đường, vỉa hè, hoa cây cảnh, cây xanh đường phố… xây dựng nhiều công viên và các điểm sinh hoạt vui chơi tập thể lành mạnh là một trong những mục tiêu thành phố đề ra. Tiếp tục duy trì tỷ lệ đất dành cho cây xanh, hoàn thiện quy hoạch, đề án xã hội hoá cây xanh đô thị .

Với sự giúp đỡ, tạo điều kiện của các bộ, ngành, trung ương và sự hợp tác của các tỉnh, thành phố trong cả nước, của các tổ chức, đơn vị trong và ngoài nước, Đông Hà đang hoàn thiện chính mình, thông qua chương trình xã hội hoá để từng bước xây dựng để trở thành đô thị trẻ văn minh, giàu đẹp, hòa chung với tiến trình phát triển của đất nước.

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây