Củng cố, phát triển mối quan hệ mật thiết, gắn bó “máu thịt” giữa Đảng với Nhân dân

Thứ tư - 12/02/2020 14:29
 
                                                                                                   ThS. Ngô Thị Thu Hà
                                                                                                   Phó Hiệu trưởng
Đảng Cộng sản Việt Nam - Đội tiên phong của giai cấp công nhân, đồng thời là đội tiên phong của nhân dân lao động và của dân tộc Việt Nam, đại biểu trung thành lợi ích của giai cấp công nhân, nhân dân lao động và của cả dân tộc, lấy chủ nghĩa Mác-Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh làm nền tảng tư tưởng là lực lượng lãnh đạo Nhà nước và xã hội.
Đảng Cộng sản Việt Nam gắn bó mật thiết với Nhân dân, phục vụ Nhân dân, chịu sự giám sát của Nhân dân, chịu trách nhiệm trước Nhân dân về những quyết định của mình[1]. Như vậy, Điều 4 của Hiến pháp 2013 đã khẳng định bản chất của Đảng Cộng sản Việt Nam, mục tiêu nhiệm vụ của Đảng và khẳng định mối quan hệ mật thiết, gắn có “máu thịt” với Nhân dân. Từ khi ra đời đến nay, Đảng Cộng sản Việt Nam luôn khẳng định Nhân dân là lực lượng cách mạng to lớn, là yếu tố quan trọng quyết định thắng lợi của cách mạng Việt Nam.
Có nhiều cách tiếp cận mối quan hệ mật thiết, gắn bó “máu thịt” giữa Đảng với nhân dân. Tuy nhiên, với chủ đề tham luận trên, chúng ta cần đi sâu phân tích ba nội dung cơ bản sau:
Vì sao Đảng và Nhân dân có mối quan hệ mật thiết, gắn bó “máu thịt”?
Trước hết cần làm rõ một số khái niệm: Củng cố là làm cho trở nên bền vững, chắc chắn hơn; phát triển là khái niệm dùng để chỉ quá trình vận động theo hướng đi lên từ thấp đến cao, từ chưa hoàn thiện đến hoàn thiện hơn; còn mối quan hệ được hiểu là sự tác động qua lại giữa hai (hoặc nhiều hơn hai) đối tượng có liên quan với nhau. Các chủ thể có mối quan hệ qua lại, bổ sung, làm cơ sở, tạo điều kiện cho nhau nhằm đảm bảo sự tồn tại và hướng đến sự phát triển. Mối quan hệ này mang tính khách quan, chứ không phải do ý muốn chủ quan của các chủ thể. Như vậy, mối quan hệ giữa Đảng và nhân dân được hình thành do đòi hỏi khách quan của sự nghiệp cách mạng và ngày càng được củng cố trở nên vững chắc, bền vững, phát triển theo thời gian.
 Như chúng ta đã biết, chủ nghĩa Mác-Lênin chỉ ra quy luật thành lập Đảng Cộng sản là chủ nghĩa Mác- Lênin kết hợp với phong trào công nhân. Nhưng ở Việt Nam, vào đầu thế kỷ XX, Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời là sự kết hợp giữa chủ nghĩa Mác- Lênin với phong trào công nhân và phong trào yêu nước. Chính vì vậy, Đảng Cộng sản Việt Nam là đội tiên phong của giai cấp công nhân, đồng thời là đội tiên phong của nhân dân lao động và của dân tộc Việt Nam, đại biểu trung thành lợi ích của giai cấp công nhân, nhân dân lao động và của cả dân tộc. Mối quan hệ giữa Đảng và nhân dân là mối quan hệ rất đặc biệt, là vấn đề hệ trọng, có ý nghĩa sống còn của cách mạng Việt Nam. Đây là cội nguồn sức mạnh của Đảng, của khối đại đoàn kết dân tộc. Sức mạnh mà cách mạng Việt Nam có được chính là ở mối quan hệ mật thiết, gắn bó “máu thịt” với Nhân dân.
Mối quan hệ mật thiết, gắn bó “máu thịt” giữa Đảng với nhân dân được thể hiện:
Trong mối quan hệ giữa Đảng với nhân dân, Đảng vừa là lực lượng lãnh đạo, cầm quyền, vừa là người phục vụ nhân dân. Lịch sử đã chứng minh, từ khi Đảng Cộng sản Việt Nam được thành lập (3/2/1930) đến nay, Đảng luôn đại diện cho lợi ích của giai cấp công nhân, nhân dân lao động và toàn thể dân tộc Việt Nam. Đảng chỉ có duy nhất tôn chỉ mục đích mưu cầu lợi ích cho Nhân dân, cho Tổ quốc và dân tộc. Cương lĩnh, đường lối chủ trương, nghị quyết của Đảng cũng đều nhằm mục tiêu xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa, vì lợi ích của nhân dân, của dân tộc. Mặt khác, Đảng phải chịu sự giám sát của nhân dân, chịu trách nhiệm trước nhân dân về những quyết định của mình. Những quyết định của Đảng liên quan đến vận mệnh của quốc gia, dân tộc, đến lợi ích của hàng triệu người dân, vì thế mỗi quyết định của Đảng phải được nhân dân giám sát chặt chẽ.
Còn Nhân dân là cơ sở chính trị- xã hội quan trọng để Đảng tồn tại và phát triển. Trong quá trình lãnh đạo cách mạng, nếu Đảng nhận được sự đồng tình, ủng hộ của Nhân dân thì sự nghiệp cách mạng tất thành công và ngược lại, nếu nhân dân mất niềm tin, không đi theo Đảng thì Đảng sẽ đánh mất vai trò lãnh đạo của mình. Sinh thời Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn quan niệm “Trong bầu trời không gì quý bằng nhân dân. Trong thế giới, không gì mạnh bằng lực lượng đoàn kết của nhân dân”. Chính vì thế, dân là gốc của nước, nước muốn mạnh thì phải dựa vào nhân dân. Khi Đảng cầm quyền, lãnh đạo cách mạng thì Đảng phải luôn quán triệt lấy “Nước lấy dân làm gốc”. Nhân dân là chủ thể của quyền lực, quyền lực nhà nước thống nhất thuộc về nhân dân. Đảng luôn thực hiện phương châm “Bao nhiêu lợi ích đều vì dân. Bao nhiêu quyền hạn đều của dân”.
 Chính vì nhân dân là chủ thể của quyền lực, nên nhân dân là người làm chủ trên tất cả các lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hoá, xã hội. Nhân dân là lực lượng chủ yếu nhất thực hiện đường lối chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước. Cách mạng là sự nghiệp của Nhân dân, do Nhân dân, vì Nhân dân. Những nguyện vọng và sáng kiến của nhân dân nảy sinh từ thực tiễn cuộc sống, là một cơ sở quan trọng để Đảng đưa ra đường lối đúng đắn, phù hợp với lợi ích của Nhân dân. Mọi thành công của cách mạng Việt Nam dưới sự lãnh đạo của Đảng luôn có sự đóng góp to lớn của quần chúng nhân dân. Bởi vì “Dân chúng đồng lòng, việc gì cũng làm được. Dân chúng không ủng hộ, việc gì làm cũng không nên”
Trải qua 90 năm lãnh đạo cách mạng Việt Nam (3/2/1930-3/2/2020), Đảng ta luôn thể hiện bản lĩnh chính trị vững vàng, trí tuệ sáng suốt, sáng tạo và linh hoạt để chèo lái con thuyền cách mạng vượt qua những khó khăn, cập bến vinh quang. Từ khi có Đảng của mình, giai cấp công nhân trở thành giai cấp lãnh đạo cách mạng, lãnh đạo dân tộc Việt Nam giành thắng lợi trong Cách mạng Tháng Tám năm 1945, kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, thống nhất đất nước đi lên chủ nghĩa xã hội với nhiều thuận lợi và không ít khó khăn thử thách. Đặc biệt năm 1991, khi “bức tường Beclin” sụp đổ, nhiều học giả tư sản cho rằng đó là sự sụp đổ của hệ thống xã hội chủ nghĩa hiện thực và cũng có không ít những người cộng sản hoài nghi về chủ nghĩa xã hội. Chúng ta có thể khẳng định rằng chủ nghĩa xã hội khoa học (theo nghĩa rộng, chủ nghĩa xã hội khoa học là chủ nghĩa Mác-Lênin) với bản chất cách mạng và khoa học vẫn là lý luận tiên phong để dẫn đường cho giai cấp công nhân và nhân dân tiến bộ, yêu chuộng hoà bình trên thế giới đấu tranh vì hoà bình, độc lập, dân chủ, tiến bộ và chủ nghĩa xã hội. Còn sự sụp đổ của “bức tường Beclin” là báo hiệu sự sụp đổ của những “mảnh”, những “mảng” của chủ nghĩa xã hội hiện thực ở Đông Âu và Liên Xô. Cũng chính trong thời điểm khó khăn đó, Đảng Cộng sản Việt Nam đã thể hiện sự bản lĩnh, chủ động, sáng tạo trong quá trình lãnh đạo cách mạng Việt Nam. Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội đã được thông qua tại Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VII năm 1991 khẳng định: “Mục tiêu tổng quát phải đạt tới khi kết thúc thời kỳ quá độ là xây dựng xong về cơ bản những cơ sở kinh tế của chủ nghĩa xã hội, với kiến trúc thượng tầng về chính trị và tư tưởng, văn hóa phù hợp, làm cho nước ta trở thành một nước xã hội chủ nghĩa phồn vinh[2].
Quyết tâm đó một lần nữa được khẳng định trong Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung và phát triển năm 2011): “Nước ta xây dựng được về cơ bản nền tảng kinh tế của chủ nghĩa xã hội  với kiến trúc thượng tầng về chính trị, tư tưởng văn hóa phù hợp, tạo cơ sở để nước ta trở thành một nước xã hội chủ nghĩa ngày càng phồn vinh, hạnh phúc[3].
Thực tiễn hơn 34 năm đổi mới đã chứng minh rằng con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở nước mà Đảng, Bác Hồ và Nhân dân lựa chọn là con đường duy nhất đúng đắn, phù hợp với quy luật khách quan. Những thành tựu mà đất nước ta đã đạt được trong quá trình đổi mới trên tất cả các lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hoá, xã hội có tính bước ngoặt trong lịch sử của dân tộc ta. Tốc độ tăng trưởng GDP từ năm 2010-2019 đạt gần 7%,  trong đó năm 2018 GDP đạt 7,08%, năm 2019 đạt 7,02%, năm 2019, Việt Nam được bầu vào uỷ viên không thường trực của Hội đồng bảo an Liên hợp quốc với số phiếu 192/193. Vì vậy, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã đánh giá “Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ to lớn, vai trò vị thế cao như ngày nay”. Những thành tựu to lớn đó chính là sự kết tinh lãnh đạo sáng suốt tài tình của Đảng và sức mạnh đoàn kết của nhân dân ta, hay nói cách khác đó chính là cội nguồn sức mạnh từ mối quan hệ mật thiết, gắn bó “máu thịt” giữa Đảng với nhân dân. Tổng kết 30 năm đổi mới, Đảng ta đã rút ra 5 bài học trong đó sự lãnh đạo của Đảng là nhân tố quan trọng nhất, đảm bảo sự thắng lợi của sự nghiệp cách mạng. Đồng thời đổi mới phải luôn luôn quán triệt quan điểm “dân là gốc” và vì lợi ích của nhân dân, dựa vào nhân dân, phát huy vai trò làm chủ, tinh thần trách nhiệm, sức sáng tạo và mọi nguồn lực của nhân dân, phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc.
Củng cố, phát triển mối quan hệ mật thiết, gắn bó “máu thịt” giữa Đảng với Nhân dân
Hiện nay, nước ta đang thực hiện công cuộc đổi mới và hội nhập quốc tế sâu rộng. Củng cố vững chắc và phát triển mối quan hệ mật thiết, gắn bó “máu thịt” giữa Đảng với nhân dân có tầm quan trọng chiến lược, lâu dài đối với sự nghiệp cách mạng Việt Nam. Vì vậy, cần thực hiện đồng bộ những giải pháp cơ bản sau:
Thứ nhất, cần quán triệt nâng cao nhận thức đối với toàn bộ hệ thống chính trị, đảng viên, cán bộ và nhân dân về tầm quan trọng của việc xây dựng, củng cố, phát triển mối quan hệ giữa Đảng với nhân dân. Đây là giải pháp đầu tiên, cơ bản nhằm tạo ra những sự hiểu biết toàn diện và sâu sắc về mối quan hệ mật thiết, gắn bó “máu thịt” giữa Đảng và Nhân dân. Để từ đó, mỗi một cán bộ, đảng viên có ý thức, xây dựng động cơ và hành động đúng đắn thiết thực phù hợp với mỗi người.
Thứ hai, Đảng đưa ra chủ trương, đường lối, nghị quyết phù hợp với quy luật khách quan, tạo động lực cho sự phát triển của đất nước nhanh và bền vững. Đồng thời, Đảng lãnh đạo hệ thống chính trị, lãnh đạo Nhà nước thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp về phát triển kinh tế- xã hội. Chăm lo đến đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân, thực hiện chính sách an sinh xã hội, quan tâm đến các đối tượng chính sách, người có công nhằm nâng cao đời sống của nhân dân, nhất là vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn.
Thứ ba, Đảng phải luôn xây dựng, chỉnh đốn về chính trị, tư tưởng, tổ chức. Thường xuyên tự đổi mới, tự chỉnh đốn, nâng cao năng lực lãnh đạo sức chiến đấu của Đảng, xây dựng đội ngũ cán bộ, nhất là đội ngũ cán bộ cấp chiến lược đủ năng lực, phẩm chất ngang tầm nhiệm vụ, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của Nhà nước và các tổ chức chính trị- xã hội.
Thứ tư, thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp để thực hiện công tác dân vận nhằm phát huy quyền làm chủ, sức sáng tạo của quần chúng nhân dân. Phát huy dân chủ, lắng nghe ý kiến tâm tư nguyện vọng của nhân dân để đưa ra các chính sách đúng đắn, phù hợp với lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân, giải quyết nhanh chóng, dứt điểm các vụ việc làm ảnh hưởng đến lợi ích của nhân dân.
Chủ động rà soát, sửa đổi, bổ sung kịp thời các văn bản chính sách, pháp luật đảm bảo tính liên thông, đồng bộ, khắc phục những bất cập, chồng chéo để nâng cao năng lực, hiệu quả quản lý nhà nước, đáp ứng quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của Nhân dân. Tiếp tục thực hiện tốt cơ chế “Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, Nhân dân làm chủ” và phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra”. Tuy nhiên, đi liền với công tác dân vận mềm dẻo linh hoạt, cần xử lý nghiêm những hành vi vi phạm pháp luật, những hành vi xâm hại đến lợi ích của nhân dân, của quốc gia, dân tộc.
Có thể nói mối quan hệ mật thiết, gắn bó “máu thịt” giữa Đảng với nhân dân được bắt nguồn từ mục tiêu thống nhất là độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội. Đây không chỉ là mục tiêu mà còn là lợi ích mang tính nhất quán, xuyên suốt của cách mạng Việt Nam. Ngay khi mới ra đời, Đảng ta đã khẳng định thực hiện cách mạng tư sản dân quyền kiểu mới và thổ địa cách mạng để giành lại độc lập cho dân tộc và hạnh phúc của nhân dân. Mục tiêu này chính là cơ sở, động lực, là nguồn gốc để xây dựng mối quan hệ mật thiết, gắn bó “máu thịt” giữa Đảng và Nhân dân. Bởi vì, theo quy luật nếu vì mục tiêu cơ bản thì liên minh giữa hai chủ thể mang tính chiến lược lâu dài, nếu vì mục tiêu trước mắt thì liên minh đó chỉ mang tính tạm thời, sách lược. Lịch sử đã chứng minh, trải qua gần một thế kỷ kể từ khi Đảng Cộng sản Việt Nam được thành lập, mối quan hệ giữa Đảng và nhân dân ngày càng gắn bó mật thiết, được vun đắp, củng cố và phát triển vững chắc. Kỷ niệm ngày thành lập Đảng (3/2/1930-3/2/2020), chúng ta càng tin tưởng dưới sự lãnh đạo của Đảng, đất nước Việt Nam ngày càng phát triển phồn vinh, vững bước đi lên chủ nghĩa xã hội.
 
[1] Hiến pháp của Nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam (2014), Nxb Lao động
[2]Đảng Cộng sản Việt Nam (1991), Văn kiện Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VII, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội.
[3]Đảng Cộng sản Việt Nam (2016), Văn kiện Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII, Nxb Văn phòng Trung ương Đảng, Hà Nội.
 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây