Bảo tồn và phát huy một số di tích lịch sử, văn hóa ở Thành phố Đông Hà

Thứ bảy - 05/12/2015 16:18

Ths. Ngô Thị Thu Hà 
Trưởng khoa Lý luận Mác- Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh


Trong kho tàng di sản văn hóa vật chất và tinh thần mà người Đông Hà đã sáng tạo nên, di tích lịch sử, văn hóa là nơi chứa đựng nhiều giá trị truyền thống tốt đẹp. Có thể nói bức tranh tổng thể các di tích lịch sử, văn hóa vùng đất Đông Hà rất đa màu sắc với sự hiện diện của mảng nội dung lịch sử, văn hóa của địa phương. 

Theo Luật Di sản văn hóa nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam được Quốc hội thông qua tại Điều 4 khoản 3 thì Di tích lịch sử, văn hóa là công trình xây dựng, địa điểm và các di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia thuộc công trình, địa điểm có giá trị lịch sử văn hóa, khoa học. Như vậy, di tích lịch sử văn hóa Đông Hà bao gồm các công trình văn hóa vật thể như đình chùa, đền, miếu, nhà thờ họ... những di tích này luôn gắn liền với phong tục, tập quán lối sống, lễ hội, tín ngưỡng, tôn giáo của nhân dân địa phương. Trải qua nhiều biến cố của lịch sử, nhưng các giá trị đó vẫn còn được lưu giữ và đang có ảnh hưởng tích cực đến đời sống cộng đồng.

Hiện nay trên địa bàn thành phố, có 19 di tích lịch sử văn hóa, trong đó các di tích đã được xếp hạng cấp tỉnh: 02 đình làng (đình làng Lập Thạch, đình làng Điếu Ngao), 03 nhà thờ những người có công với đất nước nay được thờ (nhà ông Hồ Sĩ Khâm, nhà ông Nguyễn Đức Úc, nhà ông Nguyễn Khuyến), 02 nhà thờ họ (nhà thờ họ Hoàng làng Điếu Ngao, nhà thờ họ Nguyễn Khắc làng Lập Thạch), nhà vòm sân bay và một số di tích khác.
Một số di tích trên đã bị hư hại, xuống cấp thậm chí bị xóa dấu vết vì nhiều nguyên nhân khác nhau một phần do khí hậu thời tiết ở đây rất khắc nghiệt nắng lắm mà mưa nhiều, một phần do con người chưa tích cực bảo vệ gìn giữ, mặt khác do vấn đề đô thị hóa đã ảnh hưởng không nhỏ đến di tích.

Bên cạnh đó, Đông Hà còn là vùng đất trải qua sự khốc liệt của chiến tranh, khắp địa bàn thành phố dường như đều trở thành các địa điểm di tích phản ánh chân thực, sinh động cuộc đấu tranh anh dũng của quân và dân Đông Hà - Quảng Trị cùng nhân dân cả nước. Như cảng quân sự Đông Hà nằm ở bờ nam sông Hiếu, cạnh Quốc lộ 1A và cầu Đông Hà trên địa phận làng Điếu Ngao, nay thuộc phường 2, thành phố Đông Hà. Di tích lịch sử này được Bộ Văn hóa-Thông tin (nay là Bộ Văn hóa- Thể thao - Du lịch) xếp hạng quốc gia theo Quyết định số 236/QĐ-VH ngày 12/12/1986. Do không được nạo vét, nâng cấp nên lòng sông Hiếu đã cạn dần, tàu có trọng tải lớn không vào được, hệ thống bến bãi, kho chứa đã hư hỏng gần hết.

Nghĩa trang liệt sĩ Quốc gia Đường 9 được nâng cấp từ Nghĩa trang liệt sĩ Đông Hà, được khởi công xây dựng ngày 2/9/1995 và khánh thành vào dịp kỷ niệm 50 năm ngày thương binh liệt sĩ (27/7/1947- 27/7/1997). Nghĩa trang là công trình đền ơn đáp nghĩa vừa mang tính lịch sử vừa mang tính nghệ thuật cao, thể hiện sự tri ân đối với những anh hùng, liệt sĩ đã hy sinh vì sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc. Đầu năm 2014, Bộ Tài chính và tỉnh Quảng Trị đã nâng cấp, sửa chữa Nghĩa trang với tổng vốn đầu tư hơn 80 tỷ đồng và được khánh thành nhân dịp kỷ niệm 67 năm ngày Thương binh liệt sĩ. Như vậy, cùng với Nghĩa trang liệt sĩ Trường Sơn, Nhà đày Lao Bảo, Thành cổ Quảng Trị, Nghĩa trang liệt sỹ Quốc gia Đường 9 đã, đang là điểm đến trong tuyến du lịch Hoài niệm của du khách mỗi khi đến Quảng Trị. 

Những năm vừa qua, thành phố đã quan tâm đầu tư, tôn tạo các di tích lịch sử, văn hóa và đạt được nhưng thành tựu bước đầu song vẫn chưa đáp ứng yêu cầu thực tiễn. Di tích ở thành phố Đông Hà, phần lớn đều là các chứng tích chiến tranh và hầu hết tồn tại ở dạng phế tích nên việc tu bổ, tôn tạo gặp nhiều khó khăn cả về kinh phí, phương án và nguyên tắc bảo tồn. Các di tích đình chùa, miếu chủ yếu được nhân dân thực hiện nên mang tính tự phát, chưa được hướng dẫn từ các cơ quan chuyên môn. 

Để bảo tồn và phát huy các di tích lịch sử, văn hóa góp phần xây dựng nền văn hóa tiên tiến và giàu bản sắc mà Văn kiện Đại hội đại biểu thành phố Đông Hà lần thứ XI đã khẳng định: “Tăng cường đầu tư, tôn tạo, bảo tồn các di sản văn hóa vật thể và phi vật thể, nhất là các công trình di tích, lịch sử, văn hóa quan trọng. Gắn công tác tôn tạo, bảo tồn với du lịch để phát huy giá trị văn hóa của dân tộc, của địa phương” cần thực hiện đồng bộ một số giải pháp cơ bản sau:

Thứ nhất, tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy đảng và quản lý của chính quyền đối với công tác bảo tồn và phát huy các di tích lịch sử, văn hóa

Sự lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước có vai trò quyết định đến thành công trong công tác bảo tồn và phát huy giá trị di tích lịch sử, văn hóa. Đây là cơ sở quan trọng để biến nhận thức thành hành động, đưa chủ trương, nhiệm vụ này vào kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội. Trên cơ sở nghị quyết của các cấp ủy đảng, chính quyền sẽ hoạch định thành những chính sách, chương trình, hành động cụ thể đảm nhiệm vai trò chỉ đạo, điều hành, quản lý và thực hiện ở cơ sở.

Thành ủy, UBND thành phố cần có sự phối hợp xây dựng, bổ sung, hoàn thiện các văn bản pháp qui về quản lý các hoạt động liên quan đến văn hóa nói chung và di tích lịch sử, văn hóa nói riêng, đề ra các những biện pháp phù hợp để thực hiện. Trong đó, Đảng đóng vai trò lãnh đạo, chính quyền tổ chức thực hiện, Mặt trận và các đoàn thể vận động thuyết phục, kêu gọi quần chúng, tổ chức các hình thức thi đua. Từ đó tạo động lực thúc đẩy các hoạt động bảo tồn và phát huy giá trị di tích lịch sử, văn hóa đạt hiệu quả cao.

Thứ hai, giải pháp phát huy sức mạnh tổng hợp của các cơ quan đoàn thể, tổ chức xã hội và nhân dân

Bảo tồn và phát huy giá trị các di tích lịch sử, văn hóa là sự nghiệp của toàn dân, muốn hoạt động này có hiệu quả cần huy động sức mạnh tổng hợp của tất cả các thành phần trên. Để làm tốt nhiệm vụ này ở thành phố Đông Hà hiện nay, mọi cơ quan, tổ chức chính trị -xã hội trên địa bàn (Mặt trận Tổ quốc, Hội Phụ nữ, Đoàn Thanh niên, Hội Cựu chiến binh...) một mặt tích cực tham gia vào các phong trào hoạt động cụ thể, mặt khác tuyên truyền, vận động quần chúng nhân dân tự giác, tích cực tham gia vào các phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”. Thực hiện xã hội hóa các hoạt động văn hóa theo phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm” nhằm kêu gọi động viên mọi tầng lớp nhân nhân và các tổ chức xã hội đóng góp tài chính, sức lực và sự sáng tạo cho hoạt động bảo tồn, phát huy giá trị di tích lịch sử, văn hóa.

Thứ ba, nâng cấp, trùng tu và tôn tạo các di tích lịch sử văn hóa

Song song với xây dựng, củng cố và hoàn thiện các thiết chế văn hóa, thành phố phải bảo vệ, sửa chữa, nâng cấp các di tích lịch sử văn hóa. Các di tích lịch sử, văn hóa không chỉ là những kỳ tích chiến tranh giữ nước mà còn giá trị lâu dài về truyền thống văn hiến giữ nước vừa là sản phẩm du lịch của thời hiện đại có ý nghĩa giáo dục truyền thống. 

Từ khi có Quyết định 707/QĐ-UB ngày 12/7/1996 của UBND tỉnh về việc phân cấp quản lý di tích, thành phố đã khảo sát, đo đạc, xác định lại vị trí, cắm mốc chỉ giới khoanh vùng bảo vệ, lập hồ sơ cấp đất, dựng bia ở các di tích. Hiện nay 11/19 di tích đã dựng bia, biển để khẳng định vị trí, cấp độ di tích, vừa giới thiệu trích yếu nội dung lịch sử về di tích. Hoạt động nghiên cứu, điều tra, kiểm kê di tích trên địa bàn phải được thực hiện thường xuyên, mặt khác khi nghiên cứu, sử dụng, phát huy giá trị di tích, chúng ta không chỉ quan tâm đến giá trị văn hóa vật thể mà chú ý đến giá trị phi vật thể, nhằm phát huy tối đa giá trị và làm cho di tích có sức sống lâu dài hơn.

Thứ tư, đa dạng hóa các nguồn lực từ nguồn ngân sách của Nhà nước, địa phương và huy động sự đóng góp của quần chúng và sự giúp đỡ của các nhà tài trợ để nâng cấp sửa chữa và tôn tạo bảo vệ các di tích lịch sử văn hóa của địa phương

Thứ năm, khai thác và sử dụng có hiệu quả các thiết chế văn hóa nói chung và di tích lịch sử văn hóa nói riêng làm cho văn hóa thực sự trở thành động lực phát triển kinh tế và cầu nối hữu nghị giữa các quốc gia trên trục hành lang kinh tế Đông- Tây.

Bảo vệ, phát huy giá trị di tích lịch sử, văn hóa là công việc vừa mang tính cấp bách vừa lâu dài, đang đứng trước những thuận lợi và khó khăn thách thức. Vì vậy, thành phố cần xây dựng hệ thống chính sách, giải pháp đồng bộ và hữu hiệu phù hợp với địa phương. Mặt khác, phát huy sức mạnh tổng hợp của các cấp lãnh đạo Đảng, chính quyền, cơ quan ban ngành đoàn thể và nhân dân để bảo vệ, phát huy di tích lịch sử, văn hóa góp phần làm giàu hơn nền văn hóa đậm đà bản sắc của dân tộc. Đó cũng là những công việc thiết thực chào mừng thành phố trẻ, năng động tròn 5 tuổi.

Tài liệu tham khảo:
1. Đảng bộ thành phố Đông Hà (2010), Văn kiện Đại hội đại biểu Đảng bộ thành phố Đông Hà lần thứ XI.
2. Thành ủy - HĐND - UBND - UBMTTQVN thành phố Đông Hà (2010), Truyền thống lịch sử, văn hóa Đông Hà với sự phát triển văn hóa đô thị, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội.
3. Uỷ ban nhân dân thành phố Đông Hà (2009), Đề án thành lập thành phố Đông Hà.

Lễ hội Đua thuyền trên sông Hiếu
Ảnh: Cao Văn Tỉnh- Hội văn học nghệ thuật tỉnh Quảng Trị
 

 

 

Tổng số điểm của bài viết là: 1 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 1 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây