Báo cáo đề dẫn tại Tọa đàm khoa học “Đồng chí Lê Duẩn với cách mạng Việt Nam và quê hương Quảng Trị”

Thứ hai - 27/03/2017 16:55
Lời Ban Biên tập: 
Trong chuỗi các hoạt động hướng đến kỷ niệm 110 năm ngày sinh Tổng Bí thư Lê Duẩn (07/4/1907-07/4/2017, ngày 24/3/2017, Trường Chính trị Lê Duẩn tổ chức toạ đàm khoa học với chủ để "Đồng chí Lê Duẩn với cách mạng Việt Nam và quê hương Quảng Trị". Ban Biên tập trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc toàn văn Báo cáo đề dẫn của ThS. Nguyễn Hữu Thánh, Bí thư Đảng uỷ-Hiệu trưởng tại buổi toạ đàm.

- Kính thưa Hội đồng khoa học Nhà trường
- Thưa các đồng chí

 Thực hiện Thông báo số 88-TB/TU ngày 17 tháng 5 năm 2016 của Thường trực Tỉnh uỷ, hôm nay Trường Trường Chính trị Lê Duẩn tổ chức Tọa đàm với chủ đề “Đồng chí Lê Duẩn với cách mạng Việt Nam và quê hương Quảng Trị” nhân kỷ niệm 110 năm ngày sinh Tổng Bí thư Lê Duẩn (1907 - 2017). Thay mặt Đảng uỷ, Ban giám hiệu tôi xin chào mừng các đồng chí đã sắp xếp thời gian, công việc để tham dự buổi Tọa đàm hôm nay.
 Thưa các đồng chí!
Hoà chung trong không khí thi đua của toàn Đảng, toàn quân và toàn dân ta thiết thực lập thành tích chào mừng những ngày lễ lớn và trọng đại của đất nước, quê hương, hôm nay, trong không gian của mái trường cách mạng được vinh dự mang tên người con ưu tú của quê hương Quảng Trị anh hùng - Tổng Bí thư Lê Duẩn - nhà lãnh đạo kiệt xuất của Ðảng và của nhân dân ta, người học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại, Trường Chính trị Lê Duẩn tổ chức toạ đàm nhân kỷ niệm 110 năm ngày sinh của Tổng Bí thư Lê Duẩn. Đây là sinh hoạt khoa học nối tiếp trong chuỗi các hoạt động sau dịp kỷ niệm "Trường Chính trị Lê Duẩn - 70 năm một mái trường cách mạng" cùng với những đổi mới trong các hoạt động dạy và học nhằm nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng cán bộ của tỉnh nhà đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ đặt ra trong giai đoạn mới, xứng tầm là trung tâm đào tạo cán bộ của tỉnh. Trong tình cảm thiêng liêng và vinh dự đó, tại buổi toạ đàm này chúng ta cùng ôn lại cuộc đời, sự nghiệp và những đóng góp, cống hiến to lớn của Tổng Bí thư Lê Duẩn với sự nghiệp cách mạng của dân tộc ta dưới sự lãnh đạo của Đảng.
Thưa các đồng chí! 
 Đồng chí Lê Duẩn tên thật là Lê Văn Nhuận sinh ngày 07-4-1907 tại làng Bích La Đông, xã Triệu Đông, huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị.
Sớm giác ngộ cách mạng, đồng chí tham gia phong trào yêu nước từ năm 1926. Năm 1928, đồng chí gia nhập Hội Việt Nam cách mạng thanh niên. Năm 1930, đồng chí trở thành đảng viên thế hệ đầu tiên của Đảng Cộng sản Việt Nam do đồng chí Nguyễn Ái Quốc sáng lập. Năm 1931, đồng chí là Ủy viên Ban Tuyên huấn Xứ ủy Bắc Kỳ. Tháng 4 năm đó, đồng chí bị địch bắt và kết án 20 năm tù cầm cố, lần lượt bị giam ở các nhà tù Hỏa Lò, Sơn La và Côn Đảo.
Năm 1936, do thắng lợi của Mặt trận Bình dân ở Pháp và phong trào đấu tranh của nhân dân ta, chính quyền thực dân buộc phải trả tự do cho nhiều chiến sỹ cộng sản trong đó có đồng chí Lê Duẩn. Từ Côn Đảo trở về, bất chấp sự đe dọa, quản thúc của kẻ thù và sức khỏe giảm sút do tù đày, đồng chí lặn lội khắp miền Trung để gây dựng cơ sở cách mạng, duy trì và phát triển phong trào cách mạng, góp phần vào thắng lợi của phong trào dân chủ (1936-1939) dưới sự lãnh đạo của Đảng. Năm 1937, đồng chí giữ chức Bí thư Xứ ủy Trung kỳ; năm 1939, đồng chí được cử vào Thường vụ Trung ương Đảng.
Tháng 01-1940, đồng chí lại bị địch bắt, kết án 10 năm tù và đày ra Côn Đảo lần thứ hai. Cách mạng tháng Tám thành công, đồng chí được Đảng, Chính phủ và nhân dân đón về đất liền và tham gia lãnh đạo kháng chiến ở Nam Bộ.
Năm 1946, đồng chí ra Hà Nội làm việc bên cạnh Chủ tịch Hồ Chí Minh, góp phần cùng BCHTƯ Đảng chuẩn bị cuộc kháng chiến chống Pháp. Cuối năm đó, đồng chí được BCHTƯ cử vào lãnh đạo cuộc kháng chiến ở Nam Bộ. Tháng 2-1951, Đại hội lần thứ II của Đảng bầu đồng chí vào BCHTƯ và Bộ Chính trị. Từ năm 1946 đến 1954, với cương vị Bí thư Xứ ủy, rồi Bí thư Trung ương cục miền Nam, đồng chí đã lãnh đạo Đảng bộ miền Nam tổ chức cuộc kháng chiến ở Nam bộ, phối hợp tích cực với chiến trường chính, góp phần vào thắng lợi chung của dân tộc ta trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược.
Sau khi Hiệp định Giơ-ne-vơ được ký kết, đồng chí được Trung ương phân công ở lại lãnh đạo phong trào cách mạng miền Nam. Trong điều kiện địch khủng bố khốc liệt, đồng chí vẫn lặn lội khắp các địa bàn Nam bộ, từ bưng biền đến các đô thị để nắm tình hình, ổn định lại các tổ chức Đảng, củng cố các cơ sở cách mạng để chuẩn bị cho cuộc chiến đấu với kẻ thù xâm lược mới.
Là người chịu trách nhiệm trước Đảng về cách mạng miền Nam, trước sự phá hoại hiệp định đình chiến và khủng bố ác liệt của kẻ thù, lăn lộn trong thực tiễn đấu tranh của nhân dân ta ở Nam bộ, đồng chí đã suy nghĩ khởi thảo bản Đề cương cách mạng miền Nam, chỉ ra phương hướng và những bước đi cơ bản của cuộc cách mạng. Trong bối cảnh cực kỳ khó khăn lúc đó, sự ra đời của bản Đề cương vào tháng 8-1956 đã góp phần chuẩn bị cho sự ra đời của Nghị quyết Hội nghị lần thứ 15 của BCHTƯ (tháng 7-1959) xoay chuyển tình thế, tạo ra bước ngoặt của cách mạng miền Nam, đóng góp to lớn vào Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ III của Đảng về cách mạng miền Nam.  
Giữa năm 1957, được Trung ương cử lãnh đạo công việc chung của Đảng bên cạnh Chủ tịch Hồ Chí Minh và là Phó Ban chuẩn bị văn kiện Đại hội lần thứ III của Đảng, trực tiếp chỉ đạo bộ phận chuẩn bị nghị quyết về cách mạng miền Nam, đồng chí Lê Duẩn đã góp phần quan trọng vào việc chuẩn bị những quyết sách chiến lược về nhiệm vụ chung của cách mạng cả nước cũng như về nhiệm vụ cụ thể của cách mạng hai miền để báo cáo với Bộ Chính trị trước khi đưa ra trình Đại hội.
Trên cương vị là Bí thư thứ nhất và Tổng bí thư BCHTƯ Đảng liên tục trong 26 năm (1960-1986), cùng với Bộ Chính trị và BCHTƯ Đảng, đồng chí Lê Duẩn đã góp phần quan trọng vào việc hoạch định, hoàn thiện đường lối và phương pháp cách mạng, đường lối và nghệ thuật chỉ đạo chiến tranh nhân dân và đã chỉ đạo thực hiện thành công các nhiệm vụ cách mạng của hai miền.
Trước diễn biến phức tạp của tình hình quốc tế trong những năm 60 và phải đối mặt với kẻ thù xâm lược hùng hậu, trên cương vị Bí thư thứ nhất BCHTƯ (1960-1976), chịu trách nhiệm lãnh đạo tổ chức thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ III của Đảng, đồng chí Lê Duẩn không chỉ thể hiện là một kiến trúc sư chiến lược, mà còn là một nhà tổ chức tài năng, góp phần to lớn vào việc lãnh đạo xây dựng miền Bắc trở thành và làm tròn nhiệm vụ hậu phương lớn và vững chắc của cả nước, góp phần to lớn vào thắng lợi của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước.
Sau khi Chủ tịch Hồ Chí Minh từ trần, là người lãnh đạo cao nhất của Đảng, cùng với Bộ Chính trị, BCHTƯ, đồng chí Lê Duẩn đã lãnh đạo toàn dân, toàn quân ta giữ vững quyết tâm chiến đấu, biến đau thương thành hành động cách mạng, đưa cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước đến thắng lợi hoàn toàn, thực hiện xuất sắc Di chúc thiêng liêng của Chủ tịch Hồ Chí Minh: hoàn thành sự nghiệp giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc, đưa cả nước đi lên CNXH.
Thắng lợi của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước là thắng lợi của chủ nghĩa yêu nước và chủ nghĩa anh hùng cách mạng, của trí tuệ và văn hóa dân tộc được phát huy cao độ trong suốt 30 năm đấu tranh anh dũng của quân và dân cả nước. Thắng lợi đó gắn liền với sự lãnh đạo tài trí, sáng suốt, kiên quyết của Đảng ta, của Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại, đồng thời cũng gắn liền với bộ tham mưu tối cao của cách mạng, gồm những nhà chính trị xuất sắc, nhà quân sự tài năng, mưu lược, dũng cảm, mà người đứng đầu là Tổng Bí thư Lê Duẩn.
Sau khi đất nước thống nhất, cả nước đi lên CNXH, tại các Đại hội lần thứ IV (1976), lần thứ V (1982) của Đảng và nhiều Hội nghị Trung ương, đồng chí Lê Duẩn đã cùng với BCHTƯ từng bước xây dựng một hệ thống quan điểm về chiến lược xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam XHCN và đã lãnh đạo thực hiện đạt được những thành tựu quan trọng. Tổ quốc XHCN của chúng ta đã đứng vững trước những thử thách khắc nghiệt trong những năm sau chiến tranh và bảo vệ biên giới, trước bao biến động chính trị quốc tế to lớn của thời cuộc để tiếp tục tiến lên theo con đường mà Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng ta đã lựa chọn.
Gần 60 năm kiên trung chiến đấu dưới sự lãnh đạo của Chủ tịch Hồ Chí Minh và trở thành người lãnh đạo cao nhất của Đảng, đồng chí Lê Duẩn đã góp phần cùng toàn Đảng lãnh đạo quân và dân ta mang ngọn cờ độc lập, tự do của Chủ tịch Hồ Chí Minh đến đích thắng lợi và quyết tâm thực hiện Di chúc thiêng liêng của Người: xây dựng một nước Việt Nam đàng hoàng hơn, to đẹp hơn.
79 tuổi đời, gần 60 năm hoạt động cách mạng kiên cường, đồng chí Lê Duẩn đã cống hiến trọn đời mình cho sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất Tổ quốc và xây dựng CNXH. Tên tuổi và sự nghiệp của đồng chí mãi mãi được ghi vào lịch sử vẻ vang của Đảng và của dân tộc ta với những thắng lợi vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX.
Thưa các đồng chí !
Nối tiếp truyền thống của bao thế hệ cán bộ viên chức, thầy cô giáo của mái trường cách mạng 70 năm được vinh dự mang tên Tổng Bí thư Lê Duẩn, nhân kỷ niệm 110 năm ngày sinh của đồng chí Tổng Bí thư kính mến, với tấm lòng trân trọng biết ơn, trong buổi toạ đàm hôm nay chúng ta cùng ôn lại cuộc đời, thân thế, sự nghiệp của đồng chí như một nén hương lòng tưởng nhớ đến người học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, người con ưu tú của quê hương Quảng Trị anh hùng và tiếp tục tìm hiểu, làm sâu sắc thêm những giá trị và đóng góp to lớn của đồng chí với sự nghiệp cách mạng của dân tộc thông qua các tham luận:
1. Quan điểm của đồng chí Tổng Bí thư Lê Duẩn về liên minh công - nông trong cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc
2. Bám sát thực tiễn để chỉ đạo cách mạng thắng lợi - tư duy biện chứng mẫu mực của Tổng Bí thư Lê Duẩn  
3. Những giá trị mang tính thời sự của Tổng bí thư Lê Duẩn trong giáo dục, rèn luyện đạo đức cách mạng cho thanh niên
4. Quan điểm của đồng chí Lê Duẩn về công nghiệp hoá xã hội chủ nghĩa với hiện thực hoá trong giai đoạn hiện nay
5. Đồng chí Lê Duẩn bàn về tư tưởng và phương pháp công tác vận động phụ nữ
6. Tổng Bí thư Lê Duẩn nói về nghề dạy học
7. Tổng Bí thư Lê Duẩn - Người con ưu tú của quê hương Quảng Trị.
8.  Phát biểu cảm tưởng của đại diện học viên lớp KT33
Và nhiều ý kiến tham luận khác
Để chương trình Toạ đàm thành công như đã đề cập, tôi mong các đồng chí phát huy tinh thần dân chủ trong sinh hoạt khoa học, tập trung trí tuệ của tập thể để phân tích, làm rõ thêm những cống hiến lớn lao của đồng chí Tổng Bí thư Lê Duẩn với cách mạng Việt Nam và quê hương Quảng Trị.  
Trong điều kiện Nhà trường vừa triển khai nhiệm vụ năm học theo quy chế mới, vừa nghiên cứu tìm hiểu về thân thế, sự nghiệp của Tổng Bí thư trong điều kiện lực lượng cán bộ khoa học của Nhà trường vừa giảng dạy vừa nghiên cứu nên cũng gặp những khó khăn nhất định. Tuy nhiên với tất cả tấm lòng trân trọng, tri ân và tình cảm đặc biệt đối với người con ưu tú của quê hương, Hội đồng Khoa học Nhà trường tin tưởng rằng thông qua toạ đàm là dịp để cán bộ, viên chức của Nhà trường ôn lại và hiểu rõ hơn, đầy đủ hơn về thân thế, sự nghiệp, công lao đóng góp to lớn đối với sự nghiệp cách mạng của Tổng Bí thư Lê Duẩn, qua đó, khơi dậy lòng tự hào về quê hương, đất nước, củng cố niềm tin của cán bộ, viên chức, học viên đối với Đảng, Bác Hồ và các đồng chí lãnh đạo của Đảng, Nhà nước; góp phần giáo dục truyền thống cách mạng cho các thế hệ hôm nay và mai sau.
     Xin chúc các đồng chí mạnh khoẻ, hạnh phúc. Chúc buổi toạ đàm thành công tốt đẹp. Xin trân trọng cảm ơn./.

Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 5 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây